(Dân trí) – Các nguyên tố đất hiếm có rất nhiều ứng dụng và vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng của loại tài nguyên quý giá này.
Đất hiếm (Rare-earth element – REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do vậy đây được xem là một nguồn tài nguyên rất quý giá.
Mặc dù mang tên đất hiếm, trên thực tế các nguyên tố này không thực sự quá hiếm gặp như tên gọi. Ngoại trừ nguyên tố prometi có tính phóng xạ, các nguyên tố đất hiếm còn lại tương đối dồi dào trong lớp vỏ trái đất, trong đó nguyên tố xeri thậm chí còn phổ biến hơn cả đồng.
Tuy nhiên, các nguyên tố đất hiếm thường phân tán và không được tìm thấy tập trung thành các khoáng vật. Bên cạnh đó, nguyên tố đất hiếm Prometi (Pm) có tính phóng xạ và quá trình phân tách, chế biến đất hiếm có thể phát sinh ra phóng xạ, do vậy việc khai thác và chế biến đất hiếm thường rất đắt đỏ và gặp nhiều khó khăn.
Các nhà khoa học cho rằng các nguyên tố đất hiếm ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến. Do vậy, các nguyên tố đất hiếm có thể là xem là “vũ khí kinh tế” của các quốc gia có trữ lượng lớn trong thế kỷ XXI.