Chỉ sau 2 – 3 tháng, mức giá trúng của nhiều lô đất đấu giá vùng ven Hà Nội đã giảm 20 – 50%. Các khu vực từng là tâm điểm của giới đầu tư như Hoài Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ đều đang dần “hạ nhiệt”.
Chỉ sau 2 – 3 tháng, mức giá trúng của nhiều lô đất đấu giá vùng ven Hà Nội đã giảm 20 – 50%. Các khu vực từng là tâm điểm của giới đầu tư như Hoài Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ đều đang dần “hạ nhiệt”.
Hình ảnh những người tham gia đấu giá đất rời khỏi hội trường sau khi kết thúc phiên. Ảnh: Thanh Vũ |
Đồng loạt giảm
Không còn những lần tổ chức xuyên đêm, không còn các con số kỷ lục, những phiên đấu đất vùng ven Hà Nội trong tháng 11/2024 đã dần “hạ nhiệt”. Điều này được thể hiện rõ thông qua số lượng người đăng ký tham gia và mức giá trúng của các lô đất.
Trước đó, vào tháng 8/2024, công chúng từng xôn xao trước phiên đấu giá 19 lô đất LK03 và LK04 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Hình ảnh hơn 400 người căng thẳng đấu trí tới 4 giờ sáng trong phiên đấu giá này là điều chưa từng có tiền lệ.
Điều gây sốc hơn cả là mức giá trúng “vô tiền, khoáng hậu”, cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2. Các lô đất còn lại cũng có mức giá trúng cao ngất ngưởng, từ 97,3 đến 121,3 triệu đồng/m2. Thậm chí, lô có giá trúng thấp nhất cũng chạm mức 91,3 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, chỉ sau đó 3 tháng, đất đấu giá tại khu Lòng Khúc, huyện Hoài Đức đã suy giảm sức hút. Vào ngày 4/11, phiên đấu giá 20 thửa đất lô LK01 và LK02 chỉ ghi nhận mức giá trúng bình quân 91 – 97 triệu đồng/m2. Trong đó, lô có giá cao nhất là 103,3 triệu đồng/m2; thấp nhất là 85 triệu đồng/m2. Lượng người tham gia đấu giá trong phiên này cũng giảm mạnh, từ 400 người xuống còn khoảng 140 người.
Với số lượng người tham gia ít hơn, mức độ cạnh tranh giảm xuống, khiến mức giá trúng không bị đẩy lên quá cao.
Sự tụt dốc tương tự diễn ra trong phiên đấu giá 32 lô đất LK05 và LK06 vào ngày 11/11. Dù những thửa đất này có vị trí tương đối đẹp tại khu Lòng Khúc, nhưng sự quan tâm của giới đầu tư đã giảm đáng kể. Số người tham gia giảm xuống còn khoảng 120 người. Nhiều lô có giá trúng chỉ 79,3 triệu đồng/m2 – mức chưa từng được ghi nhận ở hai phiên đấu giá trước đó.
Bên cạnh Hoài Đức, một huyện khác cũng bị gắn mác “đất ảo giá” là Thanh Oai. Trong tháng 8/2024, phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao đã thu về 4.600 hồ sơ đăng ký tham gia. Đáng chú ý, lô có giá trúng cao nhất chạm mức 100,5 triệu đồng/m2; thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, tương tự kịch bản tại Hoài Đức, phiên đấu giá mới đây tại Thanh Oai đã chứng kiến một cục diện khác. Không còn vượt ngưỡng trăm triệu đồng, 25 lô đất tại xã Đỗ Động chỉ ghi nhận mức giá trúng cao nhất là 90,3 triệu đồng/m2; thấp nhất là 45,3 triệu đồng/m2. Thậm chí, lượng hồ sơ đăng ký tham gia giảm tới 11 lần, xuống còn 400 bộ.
Nếu huyện Hoài Đức và Thanh Oai ghi nhận mức giá trúng giảm 10 – 20% sau 3 tháng, thì đất đấu giá huyện Phúc Thọ lại chứng kiến đà giảm lên tới 50% chỉ sau 2 tháng. Vào tháng 9/2024, phiên đấu giá 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) có giá trúng cao nhất lên đến 75 triệu đồng/m2. Số lượng người tham gia đấu giá trực tiếp là 100 người.
Dẫu vậy, những con số “trên trời” này đã sớm trở về mặt đất. Cũng tại khu Dộc Tranh, phiên đấu 12 thửa đất vào ngày 11/11 lại có kết quả khác biệt “một trời, một vực”. Mức giá trúng cao nhất đã giảm xuống còn 37,6 triệu đồng/m2. Số nhà đầu tư đấu giá tại hội trường cũng chỉ còn vỏn vẹn 32 người.
Vì sao giá giảm?
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, anh T.N, một người từng tham gia đấu giá đất tại huyện Hoài Đức cho biết, chính bản thân họ cũng cảm thấy hoang mang trước mặt bằng giá mới của thị trường. Từ đầu năm tới nay, giá đất tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) đã tăng gần gấp đôi. Không riêng gì đất đấu giá, mà ngay cả những mảnh đất thổ cư cũng đã chạm mức 100 triệu đồng/m2.
“Trả giá thấp thì không đấu trúng, trả giá cao thì khó tìm người mua. Tôi vẫn còn tồn một lô góc tại khu Lòng Khúc, giá trúng 121 triệu đồng/m2, bán chênh 300 triệu đồng vẫn không tìm được khách”, anh T.N cho hay.
Việc giá đất quá cao sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Trong trường hợp không tìm được khách hàng, các hội nhóm sẽ đành phải bỏ cọc, với số tiền khoảng 150 – 250 triệu đồng/lô. Thông thường, trong mỗi phiên đấu giá, các hội nhóm sẽ cố gắng “ôm” 1 – 2 thửa đất trở lên. Không chỉ vậy, họ còn đồng thời tham gia đấu giá tại nhiều khu vực khác nhau. Nếu phiên đấu giá nào cũng bỏ cọc thì thiệt hại tài chính rất lớn.
“Để đảm bảo các lô đất dễ bán trao tay, nhiều hội nhóm cũng không dám trả giá cao. Tại khu Lòng Khúc, chỉ có các thửa dưới 85 triệu đồng/m2 mới dễ bán. Đây là lý do rất nhiều người tham gia hai phiên đấu giá gần đây đã lần lượt bỏ về khi thấy mức giá leo lên 90 – 100 triệu đồng/m2”, anh T.N chia sẻ.
Giải thích về việc các phiên đấu giá gần đây có ít lượt hồ sơ đăng ký, một đại gia từng ôm 4 lô đất đấu giá tại Hoài Đức cho rằng, các hội nhóm đã bỏ quá nhiều tiền vào những phiên trước đó, nên hiện không còn đủ tài chính để tham gia tiếp.
“Với số lượng người tham gia ít hơn, mức độ cạnh tranh giảm xuống, khiến mức giá trúng không bị đẩy lên quá cao”, người này cho biết thêm.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/dat-dau-gia-vung-ven-ha-noi-dan-ha-nhiet-d230564.html