Thị trường đất đấu giá sôi động
Thời gian qua, thị trường đất đấu giá ở nhiều địa phương diễn ra sôi động. Điển hình, đất đấu giá tại Bắc Giang đã liên tục tăng nhiệt và đang trong tình trạng “nóng hầm hập” trong một tháng gần đây.
Mới nhất, phiên đấu giá đất ở tại huyện Tân Yên đầu tháng 6 vừa qua thu hút hàng trăm khách hàng tham gia với gần 700 hồ sơ. Kết quả, 84/87 lô đất đấu giá thành công. Các lô trúng đấu giá đa phần đều tăng cao, đẩy tổng mức giá của 84 lô đất lên hơn 130 tỷ đồng, cao hơn gần 55 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Cũng tại huyện Tân Yên, trong tháng 5 vừa qua, hàng loạt phiên đấu giá đã được tổ chức thành công. Có những phiên gây “sốc” với nhiều người, như phiên đấu giá tại xã Ngọc Thiện thu hút gần 1.000 khách, 66 lô đất được bán hết, lô đất chênh cao nhất hơn 1,2 tỷ đồng.
Tương tự tại Hà Nội, thông tin từ UBND huyện Đông Anh cho biết, trong quý I vừa qua, các đơn vị chức năng tổ chức thành công 6 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu nộp ngân sách khoảng 800 tỷ đồng. Các phiên đấu giá hầu hết đều thu hút sự chú ý lớn của nhà đầu tư.
Trước đó, theo báo cáo thị trường bất động sản quý I của Bộ Xây dựng, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một số khu vực có giá bán tăng nhẹ và giao dịch khá sôi động. Việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Xây dựng đánh giá việc các địa phương tổ chức nhiều phiên đấu giá đất cũng được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, thị trường đất nền tại Hà Nam trong quý I vừa qua ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc về giao dịch với phân khúc đất nền có giá bán khoảng 2 tỷ đồng/ lô đất nhờ quy hoạch mới được phê duyệt, vị trí thuận lợi tiếp giáp với Hà Nội và được đầu tư mạnh về hạ tầng.
Tương tự, thị trường bất động sản Hải Dương khởi sắc với nhiều dự án mới và có tỷ lệ hấp thụ ở mức cao lên tới 100%. Theo đó, dự án có pháp lý đảm bảo, hạ tầng, tiện ích có sẵn, ghi nhận mức giá tăng lên tới 40% so với cùng kỳ năm trước.
Thận trọng trong trả giá
Điểm chung tại các địa phương có hoạt động đấu giá đất sôi động trong thời gian qua thường là những khu vực có quy hoạch hạ tầng mới. Hàng loạt thông tin các huyện lên quận hay việc triển khai các tuyến đường giao thông như vành đai 3,5, vành đai 4… ở Hà Nội đã đang thu hút nhiều sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư.
Thực tế, đã có hàng loạt các trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá đất phải bỏ cọc. Đa số nguyên nhân xuất phát từ việc người trúng đấu giá không thực hiện được nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Ở góc độ nhà đầu tư, việc “bỏ cọc” là do người trúng trả giá cao khi thị trường “sốt”. Nhưng khi thị trường trầm lắng, khả năng thanh khoản, cũng như “lướt sóng” không thực hiện được, khiến nhà đầu tư “bỏ cọc”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia bất động sản, đất đấu giá có lợi thế pháp lý rõ ràng, đấu giá xong là có sổ đỏ, hạ tầng có sẵn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng để tránh đi vào những “vết xe đổ” trong quá khứ.
Đất đấu giá có nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người mua để ở hoặc người mua đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, đất đấu giá khi định giá phải phù hợp, bám sát giá thị trường. Không thể dùng giá đã trúng khi thị trường “sốt” để vẫn áp dụng khi thị trường còn nhiều biến động như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, việc bất động sản tăng giá mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, mới có dấu hiệu phục hồi, thu nhập của người dân vẫn chưa ổn định là dấu hiệu của bất thường, bong bóng. Có khả năng do một nhóm đầu cơ tạo thông tin nhiễu loạn, đẩy giá thị trường nhằm trục lợi.
Do đó, theo ông Đính, người mua cần tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm kỹ càng trước khi quyết định. Tuyệt đối không lao theo các cơn sốt ảo để tránh những rủi ro không đáng có.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/dat-dau-gia-nong-tro-lai-chuyen-gia-khuyen-cao-tranh-di-vao-vet-xe-do-20240610105819947.htm