Chương trình đã gieo nhiều cảm xúc đối với khán giả và giới chuyên môn khi không gian địa đạo Củ Chi được tái hiện
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024), hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), 50 năm giải phóng Củ Chi (29.4.1975 – 29.4.2025), UBND huyện Củ Chi, TP HCM đã xây dựng chương trình sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống mang tên “Đất thép”.
Nét diễn rất đời
Sau 2 suất công diễn, chương trình sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống mang tên “Đất thép” do tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng sẽ chính thức biểu diễn thường xuyên từ ngày 22-12 tại Nhà Truyền thống huyện Củ Chi. Chương trình mang đến không gian trải nghiệm lịch sử truyền thống độc đáo và ý nghĩa, hứa hẹn là sản phẩm du lịch – văn hóa thu hút người dân và du khách mỗi khi đến thăm vùng đất Củ Chi kiên cường.
Để có thể mang đúng khí thế hào hùng của quân và dân “đất thép” vào không gian câu chuyện, đạo diễn Lê Quý Dương đã tổ chức thi tuyển vai với hơn 100 diễn viên quần chúng và chọn lại hơn 20 người đều là những gương mặt chưa từng biết diễn xuất là gì. Sau hơn 20 ngày tập luyện, họ từ chân đất bước lên sàn diễn, cảm nhận nhân vật thế nào thì hòa quyện vào đời sống vai diễn như thế đó, cứ như thế, họ đã chinh phục người xem – cùng khóc cười, cùng hòa vào câu chuyện đầy ý nghĩa của gia đình má Tám Rành – Mẹ Việt Nam anh hùng của vùng “đất thép”.
Kịch bản “Đất thép” xoay quanh cuộc đời của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành – người có 8 người con trai và 2 người cháu hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Dù đau thương vì mất mát, bà vẫn kiên cường vượt qua nỗi đau để góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chương trình khắc họa cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của những con người bình dị, mộc mạc nơi “đất thép” Củ Chi, đồng thời phản ánh tinh thần anh dũng, kiên cường của quân và dân nơi đây.
“Tôi lau nước mắt nhiều lần, nhất là xem lại câu chuyện của gia đình má Tám Rành đã hy sinh vì sự nghiệp chung của cả dân tộc. Các bạn diễn viên diễn quá tuyệt vời, họ đã tạo sự thổn thức trong lòng khán giả bằng nét diễn rất đời, rất dung dị” – NSƯT Ca Lê Hồng bày tỏ.
Theo chân người xem về đến tận nhà
Những lớp diễn ấn tượng đã được xâu chuỗi trên nền nhạc cổ truyền của dân tộc, đó là những “tứ đại oán”, “nam ai”…qua tiếng đờn kìm đầy cảm xúc. Thủ pháp dàn dựng của đạo diễn Lê Quý Dương đã truyền cảm xúc chân thật nhất đến khán giả, khiến người xem như được nhập cuộc, được sống trong không gian của địa đạo Củ Chi, nơi mà những tấm gương cao cả của những người anh hùng như Nguyễn Thị Nê – Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi, Phạm Văn Cội, Tô Văn Đực – các nam nữ thanh niên du kích và cả những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ từ miền Bắc vào tham gia chiến đấu trên chiến trường Củ Chi đã nhẹ nhàng theo chân người xem về đến tận nhà.
Tác giả – đạo diễn Lê Quý Dương bộc bạch: “Tôi đã rơi nước mắt khi đọc những tư liệu về Củ Chi. Chính những hy sinh và đóng góp lớn lao trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Củ Chi, đã góp phần vẻ vang vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước”.
Đạo diễn Lê Quý Dương đã sử dụng hình thức dàn dựng đầy sáng tạo, tạo ra không gian ấn tượng với những cảnh diễn, mang đến cho khán giả cảm giác đang chứng kiến những câu chuyện lịch sử thực tế diễn ra trước mắt mình.
Chương trình “Đất thép” không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là sản phẩm du lịch mang giá trị lịch sử. Chương trình có phụ đề tiếng Anh phục vụ khán giả quốc tế, với thời lượng 90 phút, bao gồm cả hoạt động tham quan và trải nghiệm sân khấu.
Kịch bản “Đất thép” đã được UBND huyện Củ Chi chỉ đạo thực hiện nhằm tạo không gian văn hóa – nghệ thuật đưa vào phục vụ du khách, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, kết nối các hoạt động du lịch lịch sử trên địa bàn huyện. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh TP HCM, Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi và Sân khấu của đạo diễn Lê Quý Dương là đơn vị thực hiện đã tạo được một sản phẩm nghệ thuật xứng tầm.
Nguồn: https://nld.com.vn/dat-dao-cam-xuc-voi-dat-thep-196241216201213202.htm