Ngày 18/10, Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và Phát triển kinh tế: Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn liên quan đến quản lý đất đai và xác định giá đất, đầu tư công và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Diễn đàn gồm 3 chuyên đề về “Quản lý đất đai và xác định giá đất – Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động Kiểm toán Nhà nước”, “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước” và “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Quản lý đất đai và xác định giá đất
Hội thảo Chuyên đề: “Quản lý đất đai và xác định giá đất – Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động Kiểm toán Nhà nước” do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì.
Hội thảo nhằm góp phần nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, hướng tới một nền kinh tế xanh, sạch, bền vững trong tương lai; đồng thời nâng cao hình ảnh, uy tín của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong hoạt động giám sát nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.
Thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai đã tạo dựng được nguồn lực to lớn cho xây dựng và phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với quá trình đô thị hóa, việc vốn hóa đất đai, phát triển thị trường bất động sản đã được thực hiện mạnh mẽ. Theo đó, từ năm 2017 đến năm 2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12% đến 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công.
Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp – mà đất đai là tư liệu sản xuất chính, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian dài vừa qua. Hiện nay, nông nghiệp cũng đang là trụ cột chống đỡ chính của kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua còn cho thấy rất nhiều những vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc, thậm chí sai phạm phải xử lý. Trong đó nổi bật, chính sách, pháp luật về đất đai của chúng ta vừa chồng chéo, vừa phức tạp, song lại thiếu các quy định, chế tài cụ thể dẫn tới khó khăn trong áp dụng thực tiễn, chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là cho phát triển kinh tế.
Hội thảo đã tập trung giải đáp 2 vấn đề lớn: Thứ nhất, thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai và định giá đất hiện nay từ chính kết quả kiểm toán và thực tiễn tại các địa phương: Những khó khăn, vướng mắc và nút thắt chủ yếu cản trở việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế.
Thứ hai, xác định, làm rõ những giải pháp chủ yếu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và trở ngại đó. Trong đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, đồng thời có ý kiến cụ thể về mục tiêu kiểm toán, cách thức tổ chức hoạt động kiểm toán của KTNN để có thể góp phần giải quyết các vấn đề vướng mắc, những bất cập về cơ chế, chính sách, về tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng đất đai và định giá đất ở nước ta hiện nay.
Giải ngân vốn đầu tư công có tín hiệu tích cực nhưng kết quả chưa như kỳ vọng
Hội thảo chuyên đề “Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán” do Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ chủ trì.
Hội thảo nhằm góp phần nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định và nâng cao uy tín, hình ảnh của KTNN trong hoạt động giám sát, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế.
Việc tổ chức Hội thảo chuyên đề có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả nước để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Xác định vai trò quan trọng của đầu tư công, ngày 28/7/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã và đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện, thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 69,07% (đạt 79,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 70,96% kế hoạch giao; tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 34,47% kế hoạch giao. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68% (đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 52,33% kế hoạch giao; tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 28,37% kế hoạch giao.
Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công có những tín hiệu tích cực nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án. Thực tiễn hoạt động kiểm toán các dự án đầu tư công của KTNN những năm qua cũng cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý các dự án đầu tư công vẫn còn những bất cập, thiếu sót, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; phân bổ, giao kế hoạch vốn… Đây là những nút thắt ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công cũng như nguồn lực và động lực của sự phát triển.
Chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra nhiều “nút thắt” hạn chế sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp
Hội thảo Chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.
Hội thảo do Phó Tổng KTNN Bùi Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì.
Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) được xác định là một trong những nội dung quan trọng, hình thành từ đường lối “Đổi mới” của Đảng nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Thành tựu đạt được sau hơn 30 năm phát triển các KCN, KKT là những đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội; giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Các KCN, KKT đã đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Tính đến tháng 12/2022, trên cả nước đã hình thành hệ thống 407 KCN (tính cả 4 khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha, trong đó có 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đã cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Cùng với đó là 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các KCN, KKT đã thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT khoảng 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN, KKT là 212 tỷ USD.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của DN trong KCN, KKT trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng nhanh qua các năm, từ 6% năm 1995 lên 19% năm 2005, đạt 50% năm 2015 và từ năm 2016 đến này luôn chiếm trung bình trên 55%. Giai đoạn 1996-2000, các KCN, KKT đã đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước; giai đoạn 2011-2015 đóng góp khoảng 72,4 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong nước (không kể dầu thô) và giai đoạn 2016-2020 đóng góp 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%. Các KCN, KKT còn giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.
Sự phát triển của các KCN, KKT cũng đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác.
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều “nút thắt” hạn chế sự phát triển của các KCN, KKT. Cụ thể là vấn đề về: quy hoạch; hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT; hiệu quả sử dụng đất…