“Sông Hồng đỏ nặng phù sa/Triền đê gió mát mượt mà chè xanh/Anh về Việt Thuận quê em/Thơm hương chè Mét ngọt lành hồn quê…”. Những lời ca bình dị, mộc mạc như người dân nơi đây được các thành viên Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống xã Việt Thuận (Vũ Thư) thể hiện làm nức lòng nhiều khán giả ở các hội thi, hội diễn, giao lưu các cấp.
Tiết mục của Câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống xã Việt Thuận tại giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao cấp tỉnh năm 2023.
Năm nay 70 tuổi, bà Lưu Thị Bích Nhương là Chủ nhiệm CLB, từ đam mê hát chèo của bản thân, bà đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trong xã. Bà hướng dẫn từ làn điệu cho đến cách luyến láy lấy hơi, biểu thị khuôn mặt phù hợp với từng trích đoạn, vở chèo. Bà cũng là người sáng tác bài hát chèo “Thắm tình chè Mét quê em”.
Bà Nhương cho biết: Xã Việt Thuận có phong trào văn hóa văn nghệ được duy trì từ lâu. Riêng tôi, ngày còn bé đã được nghe ông bà, bố mẹ hát chèo nên ngấm lắm! Tôi tự hát và tự học chứ không qua trường lớp nào cả. Truyền thống quê hương với đam mê của cá nhân nên tôi muốn lan tỏa tới chị em trong xã. Cũng may mắn là có nhiều chị em cùng đam mê, sở thích nên rất thuận lợi trong việc tập hợp, sinh hoạt CLB.
Thành lập từ năm 2016, ban đầu chỉ có 10 thành viên, đến nay CLB có 22 thành viên. Họ là những nghệ sĩ nghiệp dư, là những phụ nữ nông thôn ban ngày trông cháu, làm nông dân, công nhân, buổi tối vẫn tích cực tham gia tập luyện hát chèo. Họ hát mọi lúc, mọi nơi, hát khi vui mừng gặp mặt, hát mừng năm mới, trong các sự kiện văn hóa, các hội thi, giao lưu, liên hoan văn nghệ. Mỗi lần như thế, các “diễn viên” lại xúng xính trong những bộ trang phục, đạo cụ tự mua, lớp trang điểm vụng về… nhưng vẫn thăng hoa với các vai nho sinh, quan huyện, công chúa, tiểu thư…
Bà Bùi Thị Loan, thành viên CLB cho biết: Chị em nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng cùng đam mê, nên cố gắng sắp xếp thời gian thích hợp nhất để cùng tập luyện. Mỗi lần được mời đi diễn, thù lao có khi chỉ đủ bữa cơm đạm bạc nhưng ai cũng hào hứng, phục vụ nhiệt tình để đáp lại tấm lòng của những người thích nghe hát chèo.
Cùng với việc tái hiện các trích đoạn chèo cổ, các tiểu phẩm của các tác giả nổi tiếng, các thành viên trong CLB còn tự biên, tự diễn các tiểu phẩm, trích đoạn với nhiều ý hay, tứ lạ thắm tình quê, mang tính thời sự, nhân văn, phản ánh tâm tư tình cảm của nhân dân.
Bà Lưu Thị Nhường, thành viên CLB cho biết: Tham gia CLB tôi thấy rất phấn khởi, vui vẻ, chị em hòa thuận. Ngày làm kinh tế, phụ giúp con cháu, tối thảnh thơi tham gia văn nghệ, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Một số tiểu phẩm, trích đoạn được lồng ghép vào trong đó những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, mỗi lần tập luyện, biểu diễn, không chỉ truyền tải thông tin tới khán giả mà bản thân chúng tôi hiểu hơn các nội dung này.
Chị Đỗ Thị Bắc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Thuận cho biết: Không chỉ biểu diễn, giao lưu, CLB phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống của xã từng đạt giải nhất liên hoan nghệ thuật chèo truyền thống huyện Vũ Thư năm 2021. Từ nền tảng CLB, Hội đã nhân rộng các mô hình văn hóa văn nghệ ở các thôn nữa, chị em cũng rất vui vẻ, đam mê tập luyện, nâng cao sức khỏe.
Không mặn mà về nhan sắc, chẳng ánh mắt sắc như dao cau, cũng chẳng có đôi tay thon nhỏ nuột nà, những người phụ nữ say hát chèo của Việt Thuận đến với sân khấu chèo bằng những cái tên mộc mạc, đôi tay chai sần và làn da nâu rám nắng. Những giai điệu í a, í à vang lên trong tiếng hát chèo trong trẻo, giữa những vườn chè bát ngát xanh tươi. Những người phụ nữ ở Việt Thuận say mê và hạnh phúc vì được góp sức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống.
Câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống xã Việt Thuận trong 1 buổi tập luyện.
Xuân Phương