Tham gia đoàn công tác của đoàn đại biểu TP.HCM đến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/17 có Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân – phó tư lệnh Quân chủng Hải quân; ông Nguyễn Phước Lộc – phó bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Mạnh Cường – trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Trung – phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nội lực là tình yêu đất nước
Trên hải trình đến với Trường Sa, con tàu KN290 đã đưa đoàn đại biểu đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ ở các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, thăm đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/17.
Chuyến hải trình càng đặc biệt ý nghĩa hơn khi quân và dân TP.HCM cùng nhân dân cả nước đang hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 49 năm Ngày giải phóng Trường Sa, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024).
Nhân chuyến công tác, đoàn đã tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho quân và dân trên các đảo. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng đang trú đóng tại các đảo, nhà giàn DKI/17, các hộ gia đình đang sống tại các điểm đảo và tặng quà cho những chiến sĩ là công dân TP.HCM.
Dịp này, đoàn cũng tặng khu tăng gia tại Trung tâm huấn luyện Vùng 2 và sáu vườn rau mái che, 31 bộ đèn năng lượng mặt trời, công trình bảo đảm phục vụ công tác huấn luyện, học tập tại các đảo và nhà giàn DKI/17.
Tổng kinh phí tổ chức chuyến công tác và quà tặng chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại các đảo, nhà giàn DKI/17 khoảng 42 tỉ đồng.
Tại mỗi điểm đảo, đoàn công tác cũng đã thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ và mang lời ca, tiếng hát nối liền từ đất liền đến biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Chứng kiến những tình cảm đặc biệt của quân và dân TP.HCM dành cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Phước Lộc bày tỏ niềm vui trước những cam kết ủng hộ nguồn lực cho Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Chia sẻ với mỗi thành viên tham gia hải trình, phó bí thư Thành ủy cho rằng mỗi người dù ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực công tác khác nhau nhưng điểm chung là trong tận sâu thẳm mỗi người có một nội lực về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Tổ quốc rất sâu sắc. Và tình yêu đó khi có cơ hội lại phát huy mạnh mẽ hơn, nhất là hòa chung không khí những ngày đặc biệt của đất nước.
“Mong rằng các đồng chí tiếp tục phát huy thêm nhiều giá trị mới khi được gặp gỡ, trực tiếp động viên các cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng công tác ở Trường Sa, đóng góp cho cơ quan, đơn vị mình, có nhiều sáng kiến tham gia vào chương trình Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc, trở thành những cá nhân tiêu biểu, tuyên truyền viên truyền cảm hứng, kết nối và truyền động lực phấn đấu cho các tầng lớp nhân dân hướng về biển đảo Tổ quốc” – ông Lộc nói.
Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân – phó tư lệnh Quân chủng Hải quân – cũng chia sẻ đây là chuyến đi đong đầy cảm xúc và tình cảm của quân và dân thành phố mang tên Bác với biển đảo và những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, hướng tới kỷ niệm những sự kiện đặc biệt của đất nước.
“Những tình cảm đó có ý nghĩa thực sự quan trọng, góp phần tạo động lực to lớn để mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân chúng tôi tiếp tục vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy, đoàn kết một lòng, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành trọng trách hết sức vinh quang của Đảng, Nhà nước, Tổ quốc giao phó” – ông Xuân nói.
Âm thầm đóng góp cho xã hội
Trên hải trình đến với Trường Sa, hàng trăm đại biểu của TP.HCM là các cá nhân tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực, ngày đêm lao động, công tác, học tập, có nhiều đóng góp cho cơ quan, đơn vị, địa phương của mình, hòa chung vào sự phát triển của TP.HCM, đóng góp cho xã hội.
Anh Ngô Văn Dư (hiện đang làm bảo vệ cho một ngân hàng ở TP.HCM) với thành tích 111 lần hiến máu toàn phần truyền cảm hứng với những cống hiến thầm lặng cho xã hội.
Hơn 27 năm qua, cứ ba tháng anh lại đến bệnh viện hiến máu, một năm bình quân sẽ hiến máu 4 lần. “Không ngờ việc làm âm thầm của mình lại mang đến niềm vinh dự như hôm nay được cùng đoàn ra thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, được đặt chân đến những điểm đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà trước đó chỉ xem qua tin tức, hình ảnh báo đài” – anh xúc động nói.
Sau hành trình, anh Dư nói bản thân sẽ có trách nhiệm lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo quê hương đến với các bạn trẻ.
Với thành tích tiêu biểu trong công tác chống dịch, cô giáo Nguyễn Thị Duyên Hồng (hiệu trưởng Trường mầm non Bông Sen) cũng được lựa chọn là đại biểu tham gia hải trình lần này.
Xúc động và tự hào đặt chân đến mỗi điểm đảo, cô Duyên Hồng đã sáng tác nhiều bài thơ dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa với lời nhắn nhủ các anh hãy yên tâm công tác ở ngoài đảo xa, ở đất liền có hậu phương vững chắc cùng góp sức, chung lòng để cùng dựng xây đất nước.
Lễ chào cờ đặc biệt giữa biển trời Trường Sa
49 năm trước, lúc 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thống nhất.
49 năm sau, lúc 11h30 ngày 30-4-2024, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển trời Trường Sa. Dự lễ chào cờ đặc biệt, đoàn đại biểu xúc động cùng nhau hát vang bài Quốc ca giữa biển khơi và lắng nghe 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại đảo Trường Sa, quân và dân trên đảo cùng các đại biểu TP.HCM đã tham dự lễ mít tinh kỷ niệm 49 năm giải phóng Quần đảo Trường Sa (29-4-1975 – 29-4-2024) và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2024).
Nhắc lại kỷ niệm vào tháng 5-2011, lúc đó ông Nguyễn Phước Lộc đang là chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM đã đến tặng quà cho đoàn công tác của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đi thăm quần đảo Trường Sa.
Ngày hôm đó, khi báo Tuổi Trẻ phát động chương trình Góp đá xây Trường Sa đã phỏng vấn ông với bài viết Viên đá quý nhất là tình yêu nước. Nhớ lại cảm xúc ngày ấy, ông chia sẻ “viên đá quý nhất chính là tình yêu nước trong mỗi người con đất Việt”, góp đá không chỉ là đóng góp bằng tiền bạc, vật chất, mà quan trọng hơn cả đó là khơi dậy trong lòng mỗi người tình yêu mãnh liệt với Tổ quốc, hướng đến biển đảo – tuyến đầu Tổ quốc.