Ngày 13.12, tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Anh Duy (Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health) cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy có số lượng tinh trùng khá ít và nhiều tinh trùng dị dạng, di chuyển kém.
Khai thác bệnh sử, anh H. cho biết anh có thói quen, lối sống khá lành mạnh như không sử dụng bia rượu, thuốc lá, hay thức khuya… và có sở thích đam mê thể thao nên anh chọn đạp xe 5-6 ngày/tuần cùng hội bạn bè, mỗi lần đạp xe tầm 2-3 tiếng.
Theo bác sĩ Duy, đến nay chưa có một nghiên cứu cụ thể nào khẳng định việc đạp xe cường độ cao dẫn đến vô sinh nam. Nhưng không phải vì vậy mà phái mạnh cho phép mình lạm dụng hoạt động thể thao này quá mức.
“Một trong những lo ngại lớn nhất là tăng nhiệt độ khu vực tinh hoàn do áp lực và ma sát từ hoạt động đạp xe. Nhiệt độ cao có thể gây tổn thương tinh trùng và làm giảm chất lượng của chúng. Đối với người đàn ông thường xuyên tham gia đạp xe, việc chọn quần áo thoải mái và tránh những quần áo quá chật, chất liệu nóng, giữ nhiệt có thể giúp giảm nguy cơ này”, bác sĩ Duy khuyến cáo.
Ngoài ra, thời gian và cường độ của việc đạp xe cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc thực hiện hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải không chỉ không gây hại mà còn có thể cải thiện sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, việc đạp xe quá lâu hoặc quá mạnh có thể tạo áp lực lớn lên khu vực chậu, ảnh hưởng đến sự sống của tinh trùng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có kế hoạch sinh sản trong tương lai.
Bên cạnh đó, chấn thương ở khu vực chậu cũng là một yếu tố cần xem xét. Những vết thương, hoặc áp lực mạnh lên khu vực chậu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới.
Trường hợp anh H. được bác sĩ tư vấn thay đổi chế độ cũng như chọn thêm một vài môn thể thao khác phối hợp để duy trì lối sống lành mạnh như chạy bộ, chơi cầu lông… Kèm theo đó là chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung một số loại thực phẩm, đã giúp anh H. cải thiện phần nào về kết quả tinh dịch đồ sau 3 tháng theo dõi và điều trị.
Theo bác sĩ Duy, việc đạp xe để rèn luyện sức khỏe mang lại nhiều lợi ích như xây dựng cơ bắp, rèn luyện sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các bệnh tim mạch, hỗ trợ giảm cân và béo phì, cải thiện sức mạnh, làm giảm mức độ lo lắng, căng thẳng và trầm cảm… Tuy nhiên đối với phái mạnh, khi tham gia bộ môn đạp xe, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe chung và sức khỏe sinh sản, cần:
- Chọn kiểu dáng, kích thước xe phù hợp với cơ thể, để tránh tì ép bộ phận sinh dục.
- Tránh ngồi trên xe quá lâu và chọn loại yên xe có thiết kế mềm mại, bằng phẳng đủ diện tích tiếp xúc với vùng chậu hông.
- Trang phục đạp xe thoáng mát, không quá bó sát để không làm tăng nhiệt độ tinh hoàn.
Ngoài ra, các trường hợp như những người bị chấn thương đầu gối hoặc tay nên tránh đi xe đạp. Những người bị hen suyễn và các vấn đề chấn thương, đau ở đầu gối cũng không nên đạp xe.