[sapo]
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 28/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật này, đa số đại biểu tán thành với việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh; đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc xây dựng Luật cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 28/10. |
Nhiều ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời tiếp tục rà soát toàn diện các bất cập của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tránh phải thực hiện sửa đổi nhiều lần.
Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cơ bản tán thành với các trường hợp được xét thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn theo quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ quy định rạch ròi giữa trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ trong việc nâng lương.
Theo đại biểu Trần Nhật Minh, khoản 5, Điều 1, dự thảo Luật quy định “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để xét quân hàm sĩ quan cấp tá và nâng lương sĩ quan trước thời hạn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này”, gây nên cách hiểu khác nhau. Theo đó, Bộ Quốc phòng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn về nâng lương có thời hạn hay chỉ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để xét quân hàm?
Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 1, dự thảo Luật lại quy định: “Bộ Nội vụ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp đối với sĩ quan”. Vậy nội dung này có trùng với thẩm quyền của Bộ Quốc phòng không?
Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ chỉ giao Bộ Nội vụ quy định để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về tiền lương.
Về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, một số đại biểu đề nghị nên sửa đổi theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019
Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) phát biểu tại tổ chiều 28/10. |
Góp ý về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định tại Điều 15, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị bổ sung thêm quy định tại Khoản 1 đối với chức vụ, chức danh tương đương và chức vụ, chức danh có bậc quân hàm cao nhất là cấp tá.
Đối với trợ lý Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được mang quân hàm trung tá, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, “hiện nay hầu hết cán bộ này đều tốt nghiệp đại học, nếu quy định như trên các đồng chí khi nghỉ hưu vẫn đeo quân hàm thiếu tá là không phù hợp và tương thích với lực lượng công an có sự chênh lệch rất lớn, cảnh sát khu vực của lực lượng công an hiện nay có bằng đại học thì đeo quân hàm trung tá”.
Theo đại biểu, việc bổ sung quy định trên nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với lực lượng cán bộ quân đội giữ các chức vụ là trợ lý được đeo quân hàm trung tá khi về hưu sẽ có mức lương hợp lý đủ trang trải cuộc sống. Đại biểu cũng đề nghị nâng tuổi của sĩ quan QĐND ngang bằng như lực lượng công an, vì cả hai đều là lực lượng vũ trang như nhau.
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm cả các dự án luật đang trình Quốc hội cho ý kiến.
Quan tâm tới quy định tại khoản 1, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cơ bản thống nhất với 17 chức vụ cơ bản và chức danh tương đương của sĩ quan QĐND Việt Nam quy định trong dự thảo Luật. Nhấn mạnh, đây là nội dung sửa đổi quan trọng đối với hệ thống chức vụ cơ bản, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện để quy định chặt chẽ, bảo đảm khắc phục được những bất cập của thực tiễn thời gian qua.
Ngoài những nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề như: chế độ, chính sách đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; chức vụ của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan; về thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn…/.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/dap-ung-yeu-cau-den-nam-2025-co-ban-xay-dung-quan-doi-tinh-gon-manh-681733.html