Nhằm mục tiêu phát triển thủy sản bền vững, Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE. Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh (CSXH) Quảng Ninh đang tích cực giải ngân vốn tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu về vốn cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện Vân Đồn, chị Lê Trình Trang, khu 8, thị trấn Cái Rồng, đã cắt bỏ toàn bộ 50 dây nuôi hàu bằng phao xốp để chuyển đổi sang phao nổi HDPE. Trong lúc khó khăn vì thiếu vốn, chị Trang được Ngân hàng CSXH huyện Vân Đồn cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm. Bằng số vốn vay này, chị Trang thay thế được 10 dây nuôi hàu bằng phao nổi HDPE.
Chị Trang chia sẻ: Gia đình tôi nuôi hàu đến nay đã 4 năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ gặp khó khăn, giá bán thấp nên bao vốn liếng của gia đình đều đã đổ dồn vào 3ha nuôi hàu. Vì vậy, khi được Ngân hàng CSXH huyện Vân Đồn cho vay vốn để đầu tư phao nổi HDPE, gia đình vô cùng vui mừng. Nguồn vốn được giải ngân kịp thời, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi là động lực giúp chúng tôi ổn định sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thay thế số dây hàu còn lại.
Không riêng chị Lê Trình Trang, tính đến ngày 30/4, Ngân hàng CSXH huyện Vân Đồn đã giải ngân cho 318 lao động vay vốn chương trình giải quyết việc làm với số tiền 24,5 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi sang 229.388 quả phao nổi HDPE.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, tính đến ngày 30/4, toàn huyện Vân Đồn đã có 96% diện tích NTTS chuyển đổi từ phao xốp sang phao HDPE với trên 1,8 triệu quả. Huyện đang tiếp tục huy động các nguồn lực thay thế 4% diện tích nuôi trồng còn lại với 98.000 quả phao HDPE. Huyện phấn đấu hoàn thành thay thế toàn bộ phao xốp sang HDPE giữa tháng 5. Để thực hiện mục tiêu này, huyện cũng mong muốn tỉnh và các ngân hàng tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ưu đãi.
Nhằm phát triển thủy sản bền vững, tháng 8/2020, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi trong NTTS. Tỉnh đặt mục tiêu sớm thay thế hoàn toàn phao xốp bằng phao nổi HDPE trong hoạt động NTTS ở 100% địa phương có biển.
Để đáp ứng nhu cầu cho người dân, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH các địa phương phối hợp với tổ chức – chính trị xã hội tập trung phổ biến chính sách, rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn, ưu tiên nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho các đối tượng chuyển đổi phao xốp. Nhằm đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhanh chóng, kịp thời, ngân hàng tích cực phối hợp với các địa phương, tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, khu phố chủ động theo dõi, nắm bắt, giám sát, đôn đốc, thu hồi, xử lý các khoản vay.
Tính đến ngày 30/4, toàn tỉnh đã có 381 lao động được vay vốn chương trình giải quyết việc làm với số tiền 27,4 tỷ đồng phục vụ chuyển đổi sang 256.570 quả phao HDPE.
Được biết, Sở NN&PTNT và Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đang phối hợp xây dựng tờ trình trình UBND tỉnh bố trí 200 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh ủy thác thực hiện chương trình cho vay giải quyết việc làm cho 30.000 lao động. Trên cơ sở đó, Ngân hành CSXH chi nhánh sẽ tham mưu Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các địa phương triển khai cho vay, trong đó, ưu tiên cho vay chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE.