Bộ GD-ĐT vừa công bố đáp án của 8 môn thi trắc nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, trong đó môn ngoại ngữ có 7 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc.
Điều đáng lưu ý, mặc dù đề thi tiếng Anh có câu hỏi gây tranh cãi, có câu hỏi được cho là có 2 phương án trả lời, nhưng đáp án của Bộ GD-ĐT lại chỉ chọn một phương án trả lời đúng. Đặc biệt, phương án mà bộ không chọn (trong 2 phương án gây tranh cãi) được cho rằng lỗi sai dễ thấy hơn. Xem đầy đủ đáp án ở đây.
Cụ thể, với câu 46 mã đề 402, đề thi yêu cầu thí sinh đánh dấu vào các phương án A, B, C, D trên phiếu trả lời để chỉ ra phần gạch chân cần sửa lỗi:
“Their pioneering (A) research showed that the learning motivation of the two groups of learners was quite distinctive (B) from each other, and the comparative (C) group whose learning motivation was stronger performed better than the control (D) group”.
(Tạm dịch: Nghiên cứu tiên phong của họ cho thấy động cơ học tập của hai nhóm người học khá khác biệt với nhau, và nhóm thí nghiệm, với những người có động cơ học tập mạnh mẽ hơn, đạt kết quả học tập tốt hơn nhóm đối chứng).
Các từ được gạch chân gồm (từ trong ngoặc là nghĩa tiếng Việt được hiểu trong văn cảnh câu được hỏi): A, pioneering (tiên phong); B, distinctive (khác biệt); C, comparative (thí nghiệm/so sánh); D: control (đối chứng/kiểm soát).
Theo đáp án môn thi tiếng Anh mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, phương án trả lời đúng của câu 46 mã đề 402 là B, tức là từ cần được sửa trong câu được trích dẫn là từ distinctive. Với đáp án này, nếu học sinh trả lời là C (từ cần được sửa là từ comparative), thì sẽ không có điểm.
Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, trong những ngày qua, dư luận giáo viên tiếng Anh tranh cãi về việc phương án nào mới là đáp án của câu hỏi trên. Các ý kiến nhìn chung đều cho rằng cả hai phương án B và C đều đúng.
Trong đó, riêng với phương án C lỗi sai hiển thị dễ nhận thấy hơn.
Theo thầy Phạm Gia Bảo, giáo viên tiếng Anh chuyên dạy luyện thi IELTS ở 583 phố Bạch Đằng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi chữa đề cho học sinh, thoạt tiên thầy và các em chọn đáp án C “comparative” (lẽ ra phải viết là comparison), vì việc từ đấy bị viết sai thể hiện rõ ràng hơn. Nhưng đọc kỹ thì phát hiện thêm phương án B, distinctive, cũng là từ bị viết sai (lẽ ra phải viết distinct).
Thầy Bảo cho rằng cũng không nên từ việc một câu hỏi đề thi bị lỗi để quy kết trình độ tiếng Anh của người ra đề. Việc biên soạn câu hỏi đề thi đôi khi có chút lỗi là việc khó tránh khỏi. Vấn đề là Bộ GD-ĐT cần có giải pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Tuy nhiên, với đáp án Bộ GD-ĐT vừa công bố, đề nghị này đã không được Bộ GD-ĐT đáp ứng.