Tham dự buổi đào tạo có TS. Dương Thanh An – Hiệu trưởng, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT; về phía đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế có bà Nguyễn Thị Thiên Hương – Quản lý chương trình ESG tại Việt Nam cùng các đại biểu và hơn 60 học viên là cán bộ phụ trách quản lý môi trường tại các doanh nghiệp; cá nhân, tổ chức đào tạo, tư vấn về môi trường trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, TS. Dương Thanh An – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT cho biết, với mục tiêu tăng cường năng lực quốc gia nhằm hỗ trợ khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam, thúc đẩy thực hành kinh doanh theo các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG); vào ngày 2/11/2023, IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), đã cùng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT ký Bản Ghi nhớ hợp tác (MOU) với chức năng đào tạo, bồi dưỡng, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT.
Hai bên đã xác định quan hệ đối tác với hỗ trợ kỹ thuật dài hạn của IFC cho Trường, thông qua các hoạt động thiết thực và cụ thể, nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia trong nước về tư vấn, đào tạo áp dụng các tiêu chuẩn ESG; quảng bá, kết nối, tạo cộng đồng với các tổ chức quốc tế, cơ quan nhà nước, thành viên thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ ESG.
Đồng thời, tập trung vào hệ thống quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội (E&S), quản trị E&S, kiểm kê phát thải khí nhà kính, báo cáo phát triển bền vững và các nội dung có liên quan, dựa trên Phương pháp Quản trị Doanh nghiệp (CGM) và Tiêu chuẩn Hoạt động (PS) của IFC.
Nội dung khóa tập huấn ngày đầu tiên bao gồm Giới thiệu Khung Phát triển bền vững và Tiêu chuẩn hoạt động Môi trường và Xã hội (E&S) của IFC; Giới thiệu về Hệ thống Quản lý Môi trường và Xã hội (ESMS) với tổng quan Tiêu chuẩn Hoạt động 1 (PS1) của IFC, hướng dẫn phát triển, đo lường và cải tiến PS1 theo 9 yếu ESMS; Cách áp dụng Cẩm nang Hướng dẫn tự đánh giá và cải tiến ESMS; So sánh PS1 của ESMS và các hệ thống quản lý được chứng nhận khác (ISO14001, ISO45001, SA8000…).
Trong buổi sáng, ông Nguyễn Bình Minh – Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT đã nhấn mạnh về các tiêu chuẩn hoạt động của IFC, trong đó có tiêu chuẩn hoạt động quy định trách nhiệm của khách hàng trong quản lý rủi ro môi trường và xã hội, giúp tránh, giảm nhẹ và quản lý rủi ro và tác động; Tiêu chuẩn hoạt động 1 sẽ đóng vai trò nền tảng và áp dụng cho tất cả các dự án có rủi ro và tác động môi trường xã hội; Tiêu chuẩn hoạt động 2 -8 tập trung vào các rủi ro và tác động môi trường, xã hội cụ thể liên quan đến các dự án cần được giải quyết.
Cụ thể, tiêu chuẩn hoạt động của IFC về bền vững môi trường và xã hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, bao gồm các nội dung: PS1 – đánh giá, quản lý rủi ro và tác động môi trường, xã hội; PS2 – lao động và điều kiện làm việc giúp thúc đẩy việc đối xử công bằng và cơ hội bình đẳng cho người lao động; PS3 – hiệu quả tài nguyên và ngăn ngừa ô nhiễm, hỗ trợ giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sức khoẻ con người, sử dụng bền vững tài nguyên nước và năng lượng cũng như giảm phát khí thải nhà kính; PS4 – Sức khoẻ, an toàn và an ninh cộng đồng; PS5 – Thu hồi đất và tái định cư bắt buộc; PS6 – bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên sống; PS7 – người bản địa và PS8 – di sản văn hoá, giúp bảo vệ di sản văn hoá trước những tác động tiêu cực của hoạt động dự án và hỗ trợ bảo tồn di sản,….
Buổi chiều đến các phiên làm việc về các yêu cầu chính sách của IFC PS1, thảo luận, đánh giá và cải thiện chính sách E&S bằng cách sử dụng Cẩm nang Hướng dẫn tự đánh giá và cải tiến ESMS; liên quan đến năng lực tổ chức và cơ cấu tổ chức cấp Doanh nghiệp, Công ty con/ Dự án; Xác định các rủi ro và tác động về những khoảng trống chung của Đánh giá tác động môi trường (EIA) theo quy định, với các yêu cầu trong bộ Tiêu chuẩn Hoạt động của IFC – Sự cần thiết của một ESIA hoặc ESIA bổ sung, thẩm định E&S (ESDD) cho việc giao dịch mua/mua lại dự án, cũng như đánh giá rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.
Trong đó, các chính sách ESMS hướng đến gắn với các hoạt động của doanh nghiệp hoặc dự án được cho vay, cam kết về quản lý rủi ro và tác động môi trường, xã hội đối với doanh nghiệp. Đối với việc xác định rủi ro và tác động cho doanh nghiệp, cần phải có quy trình sàng lọc và thẩm định môi trường, xã hội cho việc mua lại dự án với các danh mục loại trừ, phân loại dự án, thẩm định môi trường, xã hội; xây dựng kế hoạch hành động về môi trường, xã hội một cách bài bản,…
Ngày 2 bao gồm các nội dung về Chương trình quản lý nhằm so sánh khung quản lý cấp doanh nghiệp và các hệ thống quản lý công ty con/ dự án; các hệ thống quản lý E&S phổ biển để quản lý rủi ro và tác động tiềm tàng từ PS2 – PS8 của IFC; Chuẩn bị sẵn sàng và đối phó với tình huống khẩn cấp; Sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong việc lập kế hoạch tham gia;….
Lớp đào tạo đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng và nhiều câu hỏi trao đổi liên quan đến từ nhiều cán bộ phụ trách quản lý môi trường tại các doanh nghiệp; cá nhân, tổ chức đào tạo, tư vấn về môi trường trên khắp cả nước.