Đầu năm mới, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin kiêm Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), về xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo năm 2025.
PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG AI VÀO Y TẾ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE
Xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong năm 2025 được đánh giá như thế nào, trong bối cảnh của thế giới nói chung và VN nói riêng, thưa ông?
Xu hướng phát triển của AI trong năm 2025 nổi bật nhất vẫn là tiếp tục phát triển các mô hình nền tảng ngôn ngữ lớn và AI tạo sinh (foundation models) và ứng dụng các mô hình này. Các nhà nghiên cứu từ các trường ĐH và công ty lớn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và cho ra đời các phiên bản mới, mô hình nền tảng mới với khả năng và độ chính xác cao hơn, nhanh hơn và an toàn hơn.
Một xu hướng nổi bật nữa là việc phát triển và ứng dụng AI vào y tế, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh và giám sát, đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị.
Ở VN, xu hướng chính là tiếp tục ứng dụng AI vào các quy trình nghiệp vụ tại các công ty, cơ quan nhằm cải thiện năng suất lao động, tăng doanh thu và giảm chi phí.
Nhiều công ty sẽ xây dựng các giải pháp AI dựa trên các mô hình nền tảng phổ biến để phục vụ nhu cầu ngành và quy trình kinh doanh cụ thể, bao gồm các trợ lý ảo và tác nhân AI. Ứng dụng AI sẽ phổ biến rộng rãi hơn trong các cơ quan nhà nước một khi các mô hình ngôn ngữ lớn được huấn luyện với dữ liệu và quy trình hành chính.
SỰ THAY ĐỔI TRONG CƠ CẤU NGÀNH NGHỀ
Theo ông, cơ hội và thách thức của VN trước sự phát triển mạnh mẽ của AI hiện nay ra sao?
Cơ hội của VN có thể thấy ở nhiều phương diện. Chẳng hạn như phát triển và ứng dụng các giải pháp AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: dịch vụ công, y tế (chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán bệnh), giao thông...
Phát triển các giải pháp AI cho nước ngoài và tăng cường đầu tư nước ngoài, đặc biệt với các công ty công nghệ trong nước. Với nguồn nhân lực AI và phần mềm có chất lượng, VN có thể đẩy mạnh phát triển và vận hành sản phẩm (khởi nghiệp). VN có cơ hội trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ AI.
Đó còn là phát triển nguồn nhân lực AI. Sự phát triển mạnh mẽ của AI tạo ra cơ hội cho VN để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao AI.
Song song đó, VN cũng gặp phải nhiều thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của AI. Trong đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực AI chất lượng cao đang là một thách thức lớn. Theo khảo sát chúng tôi thực hiện vào năm 2023 tại TP.HCM (trong khuôn khổ đề án thành phần Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành AI của UBND TP.HCM), có tới 75% doanh nghiệp nhận định rằng nguồn nhân lực AI hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, trong khi 65% cho rằng chất lượng nhân lực AI cũng chưa đạt kỳ vọng. Khảo sát này cũng cho thấy nhu cầu nhân lực AI đang tăng trưởng, với mức tăng từ 10% đến 25% mỗi năm.
AI có tác động sâu rộng đến nhiều ngành nghề, vừa làm tăng năng suất lao động vừa dẫn đến việc một số công việc bị thay thế hoặc nhu cầu lao động giảm. Điều này gây ra sự thay đổi trong cơ cấu ngành nghề và có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp cho những người không kịp thích nghi hoặc thiếu kỹ năng phù hợp để chuyển đổi.
Mức độ chuyển đổi số của VN cũng còn hạn chế. Để phát triển và ứng dụng AI một cách hiệu quả, điều trước tiên là phải chuyển đổi số thông qua việc xây dựng các giải pháp phần mềm phục vụ yêu cầu thu thập dữ liệu, quản lý và vận hành quy trình nghiệp vụ trong cơ quan, doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi số chậm, đặc biệt là ở các cơ quan nhà nước, làm giảm khả năng và hiệu quả ứng dụng AI.
Tác động của AI tới thị trường lao động, cơ cấu ngành nghề, vị trí việc làm của VN được dự đoán như thế nào, thưa ông?
Ở VN hiện nay, việc ứng dụng AI vẫn còn thấp, chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các công cụ như ChatGPT cho các công việc tạo nội dung số. Vị trí việc làm liên quan đến nội dung số như quảng cáo, viết kịch bản, trợ lý văn phòng có xu hướng giảm. Trong tương lai gần, khi các giải pháp AI được phát triển và ứng dụng rộng rãi hơn, cơ cấu ngành nghề và vị trí việc làm sẽ thay đổi đáng kể. Những công việc mang tính lặp đi lặp lại hay đơn giản như nhập liệu, chăm sóc khách hàng, phân tích dữ liệu cơ bản sẽ dần được thay thế bởi các tác nhân AI. Ví dụ, trong lĩnh vực phần mềm, nhu cầu kỹ sư chuyên về lập trình và kiểm thử đơn giản sẽ dần được thay thế bởi các công cụ AI như GitHub Copilot.
DeepSeek gây chấn động lĩnh vực AI
Cuối tháng 12.2024, DeepSeek, công ty công nghệ của Trung Quốc, gây bất ngờ khi công bố mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) DeepSeek V3 miễn phí khi chỉ mất hai tháng để xây dựng với chi phí chưa đến 6 triệu USD.
Được xây dựng với chi phí thấp nhưng tính năng không thua kém các mô hình hàng đầu từ phương Tây là hai trong những lý do khiến AI Trung Quốc DeepSeek tạo bất ngờ.
Giới chuyên gia đánh giá cuộc đua AI với thành công của DeepSeek không còn là "trò chơi" một chiều nữa. Theo Business Today, giống như vụ phóng tàu Sputnik của Liên Xô đã thúc đẩy Mỹ và các quốc gia khác đầu tư vào công nghệ vũ trụ, DeepSeek có thể truyền cảm hứng cho làn sóng đổi mới trong AI.
ĐIỀU KIỆN ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC AI CHẤT LƯỢNG CAO
Nhiều trường ĐH đang mở ngành đào tạo AI, theo ông cơ hội cho người học liên quan lĩnh vực này ra sao?
Như đã nói ở trên, nguồn nhân lực AI chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan cả về số lượng và chất lượng. Theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu tăng hằng năm từ 10 - 25% trong khi chỉ tiêu đào tạo về AI của các trường ĐH tại địa bàn TP.HCM chỉ tăng từ 5 - 10%/năm. Mặc dù nhiều trường ĐH mở ngành đào tạo AI, tăng chỉ tiêu đào tạo, tuy nhiên cần lưu ý rằng chất lượng đầu ra là yếu tố quyết định cơ hội của người học trong lĩnh vực AI; bởi vì để phát triển và vận hành các giải pháp AI, chúng ta cần có đội ngũ có năng lực và chuyên môn cao.
Việc đào tạo AI đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất và cả nguồn lực con người, vậy hiện nay các trường ĐH trong nước đã đáp ứng được yêu cầu này chưa?
Cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng tính toán với các siêu máy tính, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo của các trường ĐH. Ngoài ra, để đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao, chúng ta cần có môi trường học tập tốt, giúp người học có cơ hội hội nhập quốc tế. Cũng cần có hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI với sự tham gia của người học, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.
Cần dạy người học kỹ năng sử dụng AI hiệu quả
Chúng ta nên xem AI như một công cụ hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu học tập, vì thế không nên cấm người học sử dụng AI trong học tập và nghiên cứu nếu việc sử dụng đó không ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo của chương trình và môn học. Hơn nữa, người học cần được đào tạo các kỹ năng để sử dụng các công cụ và giải pháp AI một cách hiệu quả.
Việc người học được phép hay hạn chế sử dụng AI nên được xác định cụ thể trong từng môn học thay vì chỉ đơn thuần cấm hay không cấm việc sử dụng AI.
Với người học, việc sử dụng AI (nếu được phép) nên được coi là phương tiện, công cụ hỗ trợ để đạt được kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết. Nếu lạm dụng AI chỉ để đạt điểm cao thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mục tiêu học tập và sự phát triển lâu dài của bản thân.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dao-tao-nhan-luc-ai-trong-xu-the-moi-18525020319580616.htm
Bình luận (0)