Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, huyện tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm phát triển đa dạng thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là bà con đồng bào Khmer. Riêng năm 2020, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện tổ chức cấp chứng chỉ cho 217 học viên người DTTS, hỗ trợ lao động học nghề, mức tối đa là ba triệu đồng/người/khóa học…
Ngoài đào tạo nghề, giải quyết việc làm, việc bảo tồn phát triển ngành nghề truyền thống cho vùng đồng bào DTTS luôn được Tri Tôn quan tâm đầu tư khôi phục, phát triển như: nghề làm cốm dẹp, sản xuất đường thốt nốt, sản xuất nồi đất và cà ràng, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Ðến nay toàn huyện có 12 hộ tham gia sản xuất cốm dẹp tại xã Ô Lâm, 15 hộ sản xuất nồi đất và cà ràng tại xã Châu Lăng, 246 hộ sản xuất đường thốt nốt, tập trung ở các xã Núi Tô, An Tức, Châu Lăng, Lê Trì, Lương Phi, Ô Lâm và thị trấn Cô Tô. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tri Tôn chủ động khảo sát, quảng bá và giới thiệu sản phẩm bánh Kà Tum truyền thống của người Khmer ở ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm qua hệ thống Hội. Ðồng thời đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn mở lớp dạy nghề làm bánh Kà Tum cho 30 học viên. Ðến nay có 10 thành viên tham gia mô hình phụ nữ cùng làm bánh Kà Tum, cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly, việc lồng ghép, phối hợp sử dụng các nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc được tỉnh An Giang triển khai khá đồng bộ, hiệu quả. Ðiển hình như trong thực hiện Chương trình 135 với kinh phí hơn 120 tỷ đồng, tỉnh An Giang đã có nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ xã và người dân, giúp bà con xây dựng các mô hình phát triển sản xuất như trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn, nuôi bò, trồng rau màu an toàn, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân ■
Bài và ảnh: THANH DŨNG