Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của VIS Rating, tính tới cuối tháng 4.2024, tỉ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường ở mức 15%, không thay đổi so với tháng 3.2024. Hơn một nửa lượng trái phiếu chậm trả gốc hay lãi đến từ nhóm ngành bất động sản dân cư, với tỉ lệ chậm trả gốc lãi của ngành này là 30%.
Đơn cử như, Tập đoàn Khải Hoàn Land mới đây thực hiện kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 1 năm sau khi đã kéo dài kỳ hạn cũng một năm trong năm 2023. Theo đó, Khải Hoàn Land vừa thông qua việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu mã KHGH2123001 đến ngày 5.4.2025, điều chỉnh lãi suất thành 12%/năm.
Được biết, tại thời điểm ngày 31.12.2023, Khải Hoàn Land đang có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 1.005 tỉ đồng, chiếm 15,7% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 765 tỉ đồng và nợ vay dài hạn là 240 tỉ đồng. Khải Hoàn Land thuyết minh tại thời điểm 31.12.2023, công ty đang có dư nợ 3 trái phiếu gồm trái phiếu mã KHGH2123001 mệnh giá 300 tỉ đồng, trái phiếu mã KHGH2123002 mệnh giá 300 tỉ đồng, và trái phiếu mã KHGH2328001, mệnh giá 240 tỉ đồng.
Hay như trường hợp Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity vừa công bố tình hình tài chính định kỳ theo quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, tính tới ngày 31.12.2023, vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity đạt 2.916,1 tỉ đồng, giảm nhẹ so với mức 3.089,6 tỉ đồng năm 2022.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ mức 1,4 lần năm 2022 xuống 1,37 lần năm 2023, tương ứng với nợ phải trả đạt hơn 3.995 tỉ đồng.
Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ mức 0,32 lần năm 2022 lên 0,38 lần năm 2023, tương ứng với 1.108,1 tỉ đồng nợ trái phiếu. Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity kéo dài chuỗi thua lỗ khi năm 2023 ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 173,5 tỉ đồng. Năm 2022, lỗ sau thuế của công ty là 124,2 tỉ đồng.
Trong tháng 5.2024, theo dữ liệu của VIS Rating, 28 mã trái phiếu thuộc 24 tổ chức phát hành trị giá 15.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. Trong đó, VIS Rating ước tính khoảng 4.700 tỉ đồng, tương đương 30% có nguy cơ chậm trả nợ đến hạn trong tháng 5.2024.
Trong số trái phiếu có rủi ro cao trị giá 4.700 tỉ đồng, có khoảng 4.000 tỉ đồng do 3 công ty phát hành đã chậm trả lãi coupon trong năm 2023. VIS Rating đánh giá rằng, các tổ chức phát hành này có khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc đến hạn do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt. 700 tỉ đồng trái phiếu còn lại có rủi ro cao chậm trả lần đầu hầu hết của các tổ chức phát hành nhóm ngành bất động sản dân cư.
“Chúng tôi lưu ý rằng, các tổ chức phát hành này có biên lợi nhuận EBITDA trung bình trong 3 năm qua thấp hơn 10% hoặc thậm chí bị âm và nguồn tiền để trả nợ đến hạn ở mức cạn kiệt”, báo cáo của VIS Rating nhấn mạnh. Ngoài ra, trong 12 tháng tới, khoảng 19% lượng trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 221.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. Ước tính 10% trong số này có rủi ro chậm trả lần đầu cao, tập trung chính ở các ngành bất động sản dân cư.
Nguồn: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/dao-han-trai-phieu-van-gay-ap-luc-lon-cho-doanh-nghiep-bat-dong-san-1342890.ldo