Từ Thiên mệnh anh hùng năm 2012, vì sao đến nay anh mới trở lại với cổ trang qua Người vợ cuối cùng (sẽ chiếu rạp từ 3.11.2023), sau khi thử sức với nhiều thể loại phim khác trước đó?
Khán giả luôn khao khát được trải nghiệm với những thể loại mới. Bản thân tôi cũng vậy, luôn tìm những nguồn cảm hứng mới. Cổ trang là thể loại khá hiếm ở thị trường điện ảnh Việt, nên tôi tin đây là “món ăn” lạ cho khán giả. Người vợ cuối cùng không chỉ khai thác nét đẹp của văn hóa VN, mà còn là một câu chuyện đầy cảm xúc. Tôi tin tuy câu chuyện diễn ra cách đây 150 năm, nhưng khán giả thời nay vẫn sẽ đồng cảm, thương được nhân vật chính trong câu chuyện về thân phận người phụ nữ thời phong kiến ở phim này.
Thử sức nhiều thể loại cho thấy sức sáng tạo của anh, nhưng cũng có phim Victor Vũ không đạt thành công về doanh thu. Vậy với câu chuyện cổ trang này anh có lo sợ phim không được “chuộng” ở thị trường?
Tôi có quan điểm khi chọn dự án phim để làm là sẽ không nghĩ đến thị hiếu và doanh thu. Nếu để suy nghĩ này lên hàng đầu thì nó sẽ trở thành bài toán trì kéo sức sáng tạo. Bởi tôi nghĩ điện ảnh trước tiên là nghệ thuật, đương nhiên những phim Victor Vũ làm là cho đại chúng xem. Tôi luôn tin khán giả cần cả hai yếu tố giải trí và nghệ thuật khi xem phim. Nhưng khi chọn một dự án, trước tiên tôi luôn nghĩ đến câu chuyện phim đó sẽ truyền tải thông điệp gì, có giá trị gì cho người xem, hoặc cảm xúc của bộ phim muốn mang lại cho khán giả là gì. Cảm xúc đó có thể là vui vẻ, lo sợ, căng thẳng, lãng mạn, buồn…, nhưng chắc chắn phải có ở những bộ phim tôi làm ra. Nói thật, phim thắng hay thua, tôi đối diện với kết quả đó một cách nhẹ nhàng, không quá bận tâm. Bởi vì tôi biết chắc chắn một điều, mình đã dụng công hết sức cho bộ phim đó rồi, không có gì để tiếc nuối. Còn khán giả tiếp nhận bộ phim như thế nào là quyền của khán giả.
Anh có quá áp lực với việc phải luôn tự làm mới chính mình để khán giả không nghĩ là “Victor Vũ đã cũ, không còn cái gì mới bởi bao nhiêu chiêu bài đã xài hết”?
Thật ra đó không phải là những áp lực, mà là điều tôi thực sự mong muốn rằng mình phải khai thác cái gì mới. Tôi luôn tâm niệm: Câu chuyện không quan trọng bằng cách mình kể, và cách kể đó của mình phải mang lại những điều mới mẻ cho khán giả. Người vợ cuối cùng cũng như các phim gần đây của tôi, có vẻ như câu chuyện là quen thuộc, nhưng cách kể, cách khai thác của tôi nhất định sẽ mang đến khán giả cảm xúc mới, một góc nhìn khác. Nên áp lực đó là với chính mình nhiều hơn, chứ không phải là tôi áp lực với khán giả. Tôi là người rất thường xuyên ra rạp xem phim của người khác, nên tôi hiểu được mong muốn của một khán giả khi đến rạp xem phim là gì, đó là phải làm ra một bộ phim để khán giả có thể “wow” một cách bất ngờ bởi những cảm xúc mới mẻ mà bộ phim đó mang lại. Điều đó khiến tôi phải đưa những áp lực đó vào bản thân mình.
Điều đó khiến anh chủ động liên tục chuyển mình, kiểu như sau khi làm một phim lãng mạn tình cảm như Mắt biếc (2019) thì chuyển sang ngay thể loại kinh dị, giật gân như Thiên thần hộ mệnh (2021), rồi tiếp tục là chính kịch, tâm lý như Người vợ cuối cùng (2023)?
Tôi nghĩ đó là cái duyên của tôi với từng bộ phim, ở đúng thời điểm đó. Cảm xúc đến rất đột ngột, bất ngờ. Tôi cũng như các nhà làm phim khác luôn đi tìm cảm hứng cho phim của mình, và bản thân trong tôi có quá nhiều câu chuyện muốn kể. Nói thật nếu Người vợ cuối cùng là bộ phim thứ 17 trong sự nghiệp của tôi, thì chắc chắn sẽ còn 30 – 40 bộ phim nữa mà tôi muốn làm. Trong đầu tôi luôn “nuôi” những câu chuyện mà tôi thấy thú vị và nghĩ khán giả cũng sẽ muốn trải nghiệm xem nó. Tôi tin mình không hết ý tưởng làm phim. Tôi không cố để nghĩ ra ý tưởng, mà nó đến một cách tự nhiên. Và tôi sẽ bắt tay làm ý tưởng đó khi tôi đã có hướng để kể nó.
Anh đánh giá thị trường điện ảnh Việt hiện tại như thế nào khi đang ngày càng có sự sàng lọc lớn, độ cạnh tranh ở phòng vé khốc liệt hơn?
Tôi nghĩ có 2 vấn đề nếu phải phân tích. Đầu tiên là văn hóa đi xem phim ngày càng thay đổi, nghĩa là mọi người sẽ chọn lọc kỹ hơn trước khi đến rạp, sẽ chỉ bỏ tiền mua vé xem phim họ quan tâm, được quảng bá tốt. Thói quen xem phim hiện giờ đã thay đổi do kinh tế eo hẹp, khán giả cẩn thận hơn trong chi tiêu. Không phải chỉ điện ảnh đang gặp khó khăn mà tất cả ngành nghề dịch vụ khác cũng vậy. Thứ hai là tư duy xem phim cũng đã khác, khán giả hiện tại có gu thưởng thức cao hơn, đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng, nội dung, cảm xúc mạnh ở một bộ phim.
Phải chăng do đa số phim Việt hiện tại chất lượng quá tệ nên khán giả mất niềm tin không xem phim Việt? Để một bộ phim mà khán giả thấy xứng đáng bỏ tiền mua vé xem, bắt buộc phải có yếu tố đảm bảo là sự đầu tư lớn từ nhà sản xuất, đạo diễn tên tuổi?
Nói vậy cũng không công bằng cho các ê kíp làm phim trẻ và mới. Vấn đề đầu tiên là nếu phim tốt thì phải có sự quảng bá tương xứng để khán giả biết tới mà xem; chứ phim hay mà không quảng bá, ai biết đâu mà đi xem. Về chất lượng phim khi đánh giá phải dựa trên 2 yếu tố là kỹ thuật làm phim và nội dung chuyển tải. Tất cả những yếu tố kỹ thuật như hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, nhạc phim… là để phục vụ cho việc đem lại cảm xúc cho người xem, còn không thì đều đi sai hướng. Nên điều tôi mong muốn nói với các ê kíp là hãy chú tâm, hướng tới làm cho được hai chữ “cảm xúc”, nếu tổng thể phim có cảm xúc thì sẽ chạm được tới trái tim, sự đồng cảm từ người xem và như vậy, phim mới có hy vọng thắng lợi ở phòng vé.
Victor Vũ trước nay làm phim không cần ngôi sao phòng vé, mà thường chọn những gương mặt diễn viên trẻ, mới. Hiện giờ, anh vẫn đi theo hướng đó hay đã khác để thu hút khán giả hơn?
Có một diễn viên tên tuổi trong phim sẽ giúp mình quảng bá phim, nhưng không đảm bảo cho sự thành công của câu chuyện mình đang kể. Vì nội dung đó cần những gương mặt diễn viên hợp vai và phải truyền tải đúng cảm xúc, tâm lý nhân vật. Tôi chọn Kaity Nguyễn làm nữ chính Người vợ cuối cùng là vì cô ấy quá hợp vai. Đối với tôi, vai diễn mới này của Kaity Nguyễn là một sự phá cách với chính cả cô ấy, và tôi tin khán giả sẽ thú vị (không như hình tượng vợ lẽ quen thuộc mà mọi người thường thấy trước đây) với những gì chúng tôi làm được trong Người vợ cuối cùng. Có thể nói, Kaity Nguyễn là một lựa chọn đột phá cho phim này, chứ không phải vì tên tuổi của cô ấy.
Với tình hình điện ảnh Việt đang ảm đạm như thế này, anh nghĩ mọi thứ sẽ có thể khởi sắc lại sớm hay muộn?
Mọi thứ đều cần thời gian hồi phục. Mình vẫn sẽ phải tiếp tục và buộc phải làm tốt hơn, để không chỉ cho khán giả lấy lại niềm tin, mà còn chung sức phát triển nền điện ảnh VN. Chắc chắn trong thời gian này, việc kéo khán giả đến rạp là một thử thách của các nhà làm phim. Khởi sắc sớm hay muộn phụ thuộc vào việc có nhiều phim Việt hay sắp tới ra rạp không.
Ngoài hình ảnh là một người tâm huyết với đam mê làm phim, khán giả cũng muốn biết Victor Vũ, người đàn ông 1 vợ 2 con, trong cuộc sống hằng ngày ra sao?
Rất là mê đi chơi với cả nhà. Đó là lý do tại sao các dự án phim vừa rồi, tôi đều đưa cả gia đình đi chung. Tôi luôn muốn ở bên cạnh vợ con sau những giờ làm ở trường quay. Tôi nghĩ những đứa bé còn rất nhỏ, đang phát triển, rất cần cả bố và mẹ trong cuộc sống, nên tôi không muốn mình biến mất mấy tháng khi làm phim. Tôi cũng muốn các con có những trải nghiệm mới về thiên nhiên, hay “bụi đời” hơn một chút khi sống ở những địa điểm khác nhau, ngoài cuộc sống thành phố đủ đầy quen thuộc.
Anh tự thấy mình là người lãng mạn hay thực tế, phóng khoáng hay nguyên tắc?
Có thể là tất cả luôn. Vì tôi tự thấy sau khi lập gia đình với diễn viên Đinh Ngọc Diệp, tôi cũng đã trải qua nhiều trạng thái cảm xúc rất là mạnh. Lúc lãng mạn thì tôi cũng tình cảm lắm, nhưng khi cần nguyên tắc thì tôi vô cùng kỷ luật. Tôi nghĩ làm chồng, làm cha thì không tránh khỏi tất cả những cảm xúc trên. Bình thường có thể mình không phải là người lãng mạn, tình cảm; nhưng khi đối diện với vợ, con, gia đình thì cảm xúc đó là điều tự nhiên. Mỗi hoàn cảnh mình sẽ có cách ứng xử phù hợp.
Với một cặp vợ chồng là nghệ sĩ, theo anh điều gì là quan trọng nhất để gìn giữ hôn nhân lâu bền?
Tôi nghĩ không chỉ cặp vợ chồng nghệ sĩ hay người bình thường, điều cần nhất trong hôn nhân chính là sự chia sẻ. Đừng giữ trong lòng những gút mắc. Nếu bực bội hay buồn phiền gì nhau thì hãy cởi mở nói ra bằng sự trân trọng nhau để thấu hiểu nhau hơn. Tôi may mắn khi cưới vợ làm cùng ngành vì sẽ dễ thông cảm và hiểu cho nhau hơn, chẳng hạn những khi đi quay tới sáng hoặc không về được…
Anh có thấy hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại? Mong muốn gần nhất của anh trong nghề là gì?
Cuộc sống không bao giờ là hoàn hảo với bất cứ ai, quan trọng là mình có hài lòng hay không. Tôi nghĩ việc chấp nhận mọi thứ diễn ra sẽ giúp mình coi nhẹ tất cả những khó khăn và khiến mình thấy dễ sống hơn. Đôi khi việc chấp nhận đó mới làm cho mình thấy hạnh phúc. Và hiện tại tôi thấy mình hạnh phúc. Còn mong muốn trong nghề ư? Rất nhiều, vì tôi vẫn đang nghĩ tôi mới làm nghề, sự nghiệp đang bắt đầu khởi sắc và tôi còn nung nấu nhiều chuyện phim khác phải kể. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi nào hết làm được nữa mới thôi. Giờ đây ngày nào còn làm được với đam mê phim ảnh, tôi sẽ trân trọng và biết ơn để làm.