(NLĐO) – Đề tài về đồng tính nữ rất ít khi được sân khấu khai thác nhưng “Xóm kịch” để lại dấu ấn đẹp với “Nhà không gió”.
Tối 28-12, Sân khấu “Xóm kịch” đã tổ chức suất diễn báo cáo tốt nghiệp của 4 nữ diễn viên trẻ với kịch bản “Nhà không gió” được tác giả, đạo diễn NSƯT Vũ Xuân Trang cảm tác từ tác phẩm “Ngôi nhà không có đàn ông” của cố nhà văn Ngọc Linh.
Anh đã khéo léo lồng ghép vào vở thân phận của một nhân vật đồng tính nữ, dám yêu và dám đấu tranh để vươn tới hạnh phúc.
Bà mẹ – nhân vật tội nghiệp nhất của vở đã cảm thấy cả thế giới đang xoay lưng lại với mình. Sau khi bị chồng phản bội, mọi tình thương bà đều dồn cho hai cô con gái và dì ba Cẩm Tú – em ruột. Thế nhưng, vì cách giáo dục hà khắc và gieo vào đầu con trẻ sự hằn học với đời, với đàn ông đã gây ra hậu quả khiến ngôi nhà của bà không có một cơn gió mát nào.
Dựng lại vở kịch đã có nhiều đạo diễn dàn dựng thành công, song NSƯT Vũ Xuân Trang đã tạo nên những chuyển biến tâm lý mới mẻ từ việc để nhân vật Bảo Lan không yêu đàn ông, cô công khai với mẹ mình là người của thế giới thứ ba. Và mạch kịch đã kéo khán giả đi đến tận cùng nỗi đau của các nhân vật. Câu chuyện được kể tại sân khấu “Xóm kịch” là những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội hôm nay.
Vở chỉ có một bối cảnh là ngôi nhà ngột ngạt, bức bối. Không phải vì cả 4 người đàn bà sống ở đó không có khả năng tìm được người yêu. Nhưng họ đều sợ bà Kim Thơ biết được và sống theo ý bà cho đến lúc Bảo Lan công khai giới tính, An Chi – cô con gái út bị phát hiện có thai với Dũng – người cô dành trọn trái tim yêu.
Và chính nỗi căm thù đàn ông rất không tự nhiên của bà Kim Thơ (bà mẹ) đã dẫn đến bi kịch cho chính bà. Rào cản bà Thơ dựng lên cho ngôi nhà đã đến lúc không thể ngăn những cơn gió, nó xua hết những nguyên tắc bất thường, trái qui luật, trái với những khao khát mãnh liệt là được yêu của các con bà, của em gái bà.
Trong vai trò người mẹ, diễn viên May Trịnh diễn ra sự khắc nghiệt và tự tin. Nhân vật mù quáng và luôn cho rằng sự mù quáng của mình cần thiết áp đặt lên các con, cả với em gái để giữ cho ngôi nhà không bị bão tố.
Quỳnh Nguyễn trong vai Cẩm Tú diễn rất chân thật, nhẹ nhàng nhưng đau xé lòng. Còn Luna Phạm có được sự yếm trợ của Thụy My đã có những đoạn cao trào rất ấn tượng, tạo cảm xúc dạt dào dành cho cô gái dám sống thật với giới tính của mình. Diễn viên Hoàng Châu với vai An Chi có nhiều khoảng lặng rất đẹp, nét diễn nhẹ nhàng, ngây ngô đã khiến khán giả ứa nước mắt vì thương cảm cho số phận của cô. Các vai diễn đều nặng tâm lý, cần có thêm nhiều vốn sống hơn để có thể hiện chiều sâu nội tâm, nhưng cả bốn diễn viên trẻ đã lột tả chân thật bằng chính cảm xúc của mình.
Vở còn có sự tham gia của các diễn viên: Thành Phương, Quốc Huy, Yến Thanh… mang lại nhiều cung bậc cảm xúc, chào đón một thế hệ diễn viên trẻ được đào tạo tại sân khấu “Xóm kịch” – nơi vừa mang về cho học trò của mình 1 HCV và 1 HCB cá nhân tại Liên hoan Sân khấu TP HCM lần 1 năm 2024 trong vở “Khúc dạ tâm”.
Khi dọn nhà mới về sân khấu Thực nghiệm Trường Trung cấp Múa TP HCM, “Xóm kịch” mong muốn tạo cơ hội để diễn viên trẻ có nhiều vai diễn hay phục vụ khán giả, trong đó có vở “Nhà không gió”.
Nguồn: https://nld.com.vn/dao-dien-nsut-vu-xuan-trang-dua-kich-dong-tinh-nu-len-san-khau-xom-kich-196241229060721011.htm