Lần thứ ba cùng gia đình du lịch Hội An, cũng là lần thứ ba đến Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) trong vòng ba năm qua, anh Hồ Phi Long (du khách đến từ tỉnh Gia Lai) tiếp tục chọn tour sinh thái Cù Lao Chàm để tham quan khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhất là trải nghiệm dịch vụ lặn ngắm san hô dưới đáy biển.
“Đây là lần thứ ba tôi đến Hội An. Cả ba lần tôi đều đến Cù Lao Chàm để lặn biển, ngắm san hô. Nước biển khu vực lặn ngắm san hô trong xanh và không quá sâu là điều kiện lý tưởng cho những người yêu thích môn lặn biển.
Đặc biệt, dưới đáy biển Hòn Dài, cách bến cảng đảo Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp chừng mười phút ca nô là nơi trú ngụ của hàng trăm loài san hô có hình dáng khác nhau và màu sắc sặc sỡ, vô cùng bắt mắt, cùng hệ sinh vật biển đa dạng, làm mê hoặc lòng người.
Nếu ở đây có thêm môn lướt ván và dù lượn để phục vụ du khách thì có thể khẳng định rằng biển Cù Lao Chàm là nơi đáng để đến thuộc hàng tốp đầu trong cả nước”, anh Long chia sẻ.
Để lặn ngắm san hô ở biển Cù Lao Chàm, mỗi du khách được trang bị áo phao, ống thở và mặt nạ; có người còn được trang bị bình dưỡng khí cho phù hợp với từng hình thức lặn. Khi ca nô rời cảng và thả neo ở khu vực lặn biển, du khách được các nhân viên kỹ thuật trang bị đầy đủ thiết bị lặn, thiết bị an toàn và được thoải sức lặn ở những khu vực đã quy định.
Mỗi đoàn khách lặn ngắm san hô luôn có một kỹ thuật viên bơi cùng để hỗ trợ kỹ thuật lặn biển khi khách có nhu cầu. Trên mỗi ca nô thường có từ 2 – 3 kỹ thuật viên làm nhiệm vụ giám sát toàn bộ hoạt động lặn biển của du khách để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Thường xuyên hướng dẫn du khách lặn biển, anh Lê Ngọc Thảo (làm việc tại Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm) cho biết, lặn ngắm san hô ở Cù Lao Chàm có ba phương thức.
Thứ nhất là lặn nổi hay còn gọi là lặn ống thở (Snorkeling), đây là phương thức lặn ngắm san hô Cù Lao Chàm phổ biến và được nhiều người lựa chọn nhất.
Thứ hai là lặn bình dưỡng khí (Scuba Diving); phù hợp với những người muốn khám phá lòng biển ở độ sâu hơn so với lặn nổi. Với phương thức lặn bình dưỡng khí, người lặn được trang bị ống thở, kính lặn và bình khí cùng với kỹ thuật viên lặn tới độ sâu khoảng 6 m để tiếp cận gần hơn với các rạn san hô và thảm thực vật dưới lòng biển.
Phương thức thứ ba là đi bộ dưới biển ngắm san hô (Sea Walking). Đây là trải nghiệm mới mẻ và độc đáo nhưng chưa có nhiều người lựa chọn. Tham gia phương thức này, du khách được trải nghiệm cảm giác khó tả khi đôi chân lặn trực tiếp chạm xuống đáy biển.
Ở phương thức lặn nào, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lặn. Đây là tiêu chí bắt buộc tất cả đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ lặn biển ngắm san hô phải chấp hành triệt để – anh Lê Ngọc Thảo quả quyết.
Kỳ vọng về hướng phát triển mới trong du lịch biển đảo, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp Nguyễn Văn An cho biết, trong mùa du lịch biển đảo, vào những ngày cuối tuần, trung bình mỗi ngày xã đảo Tân Hiệp đón từ 2.500 – 3.000 lượt khách.
Những ngày còn lại trong tuần, mỗi ngày, địa phương có từ 1.200 đến gần 2.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ trên đảo Cù Lao Chàm. Lặn biển ngắm san hô tuy ra đời chậm hơn các sản phẩm khác, song đã có sức hấp dẫn lớn.
“San hô ở biển Cù Lao Chàm thuộc hàng nhất nhì ở các vùng biển trong cả nước về quy mô, số lượng loài và vẻ đẹp hoang sơ dưới lòng biển.
Lặn ngắm san hô là một trong những hoạt động hấp dẫn, được nhiều du khách mong chờ nhất khi đến du lịch Cù Lao Chàm. Tuy nhiên từ sau COVID-19, lượng khách tham gia lặn biển giảm hẳn và chỉ thật sự tăng trở lại trong mùa du lịch biển đảo mùa hè năm nay”, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn An, địa phương luôn tạo thuận lợi cho các công ty phát triển loại hình dịch vụ này với điều kiện phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách.
Về lâu dài, hoạt động lặn biển ngắm san hô chỉ phát triển ở mức độ vừa phải, trong tầm kiểm soát. Nếu phát triển quá nhanh, hoạt động này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường và hệ sinh thái biển đảo trong quần thể Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Tiếp cận sản phẩm lặn biển ngắm san hô của người làm du lịch, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chia sẻ, nhiều năm qua, lặn biển ngắm san hô, nhất là phương thức lặn nổi hay còn gọi là lặn ống thở là sản phẩm không thể thiếu của một bộ phận du khách mỗi khi đến Cù Lao Chàm trong mùa hè.
Với hơn 300 loài san hô cùng hệ sinh thái biển phong phú, hoạt động lặn biển đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các tour đến với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Điều quan trọng là để hoạt động lặn biển phát triển an toàn, bền vững và thân thiện, mỗi du khách cần có ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái biển.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) Nguyễn Văn Lanh cho biết, du lịch biển đảo đã trở thành thế mạnh của địa phương trong nhiều năm qua. Với biển đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An đã, đang và sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng thời kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân từng bước xây dựng nơi này trở thành một khu du lịch quốc gia về biển đảo thật sự xứng tầm.
Cù Lao Chàm đã được quy hoạch là một trong chín khu du lịch quốc gia về biển đảo. Đây là lợi thế vượt trội để Hội An khai thác hết tiềm năng, thế mạnh du lịch biển đảo, trở thành đầu tàu của du lịch Quảng Nam nói chung và du lịch biển đảo nói riêng.
Trong xu hướng phát triển chung này, sản phẩm lặn biển ngắm san hô sẽ được tạo điều kiện để phát triển an toàn, thân thiện, bền vững và hài hòa với thiên nhiên.
Nguồn: https://danviet.vn/dao-cu-lao-cham-cach-dat-lien-quang-nam-15km-la-liet-san-ho-con-dong-vat-hoang-da-ngoi-im-20240830201341974.htm