Người thắng cuộc nếu tiếp tục thách đấu và chiến thắng 4 số liên tiếp Vua tiếng Việt sẽ nhận giải thưởng 320 triệu đồng. Nghệ sĩ Xuân Bắc tiếp tục dẫn mùa 3.
Mùa 3 Vua tiếng Việt liệu có bớt sạn?
Vua tiếng Việt là game show hiếm hoi khai thác tiếng Việt.
Qua đó, giúp người chơi và người xem truyền hình có thể hiểu và học hỏi thêm được cách sử dụng tiếng Việt đúng và trong sáng hơn.
Giới thiệu Vua tiếng Việt mùa 3
Dù vậy, nhìn lại chặng đường của mùa 1 và 2, có thể thấy Vua tiếng Việt vẫn bị khán giả và nhà ngôn ngữ học “nhặt” được khá nhiều sạn.
Ví dụ như Vua tiếng Việt thỉnh thoảng có đáp án viết sai chính tả: “Xoay xở” viết sai “xoay sở”, “chậm trễ” viết thành “chậm chễ”.
Game show ra đề sai khi khẳng định từ “lang lổ” không có nghĩa, chỉ là cách viết sai chính tả của “loang lổ”, trong khi đó “lang lổ” và “loang lổ” là hai từ gần nghĩa.
Ở một tập khác, người chơi lựa chọn một trong hai cách viết “dúm dó” hay “rúm ró”. Đáp án đúng của chương trình là “rúm ró”. Tuy nhiên “dúm dó” không hề sai chính tả.
Ngoài ra, ban cố vấn giải thích “lộng giả thành chân” cũng không chính xác.
Qua những sai sót trên, khán giả mong muốn nhà sản xuất cần cẩn trọng hơn khi đưa ra những câu hỏi, đáp án.
Đồng thời nhiều người cho rằng danh xưng Vua tiếng Việt dành cho người thắng cuộc quá to tát so với một game show truyền hình.
Vòng cuối Vua tiếng Việt không còn làm thơ hay tìm từ
Theo thông báo của ban tổ chức, mùa 3 của Vua tiếng Việt vẫn trải qua bốn vòng thi là phản xạ, giải nghĩa, xâu chuỗi và soán ngôi.
Ba vòng thi đầu không có thay đổi nhiều. Ở vòng thi soán ngôi thì cách thức chơi hoàn toàn mới.
Nếu như mùa 1 thí sinh làm thơ, mùa 2 thí sinh tìm từ đơn, từ phức thì mùa 3 người vào vòng cuối sẽ trải qua ba thử thách tìm từ hàng ngang, hàng dọc theo chủ đề chương trình đưa ra.
Người chơi thắng vòng 4, lên ngôi “vua”.
Muốn giữ vững ngôi vua của mình, họ cần thách đấu những người thắng cuộc các tập tiếp theo.
Người chiến thắng và giữ ngôi vua liên tiếp trong bốn số liền sẽ nhận tiền thưởng lên đến 320 triệu đồng.
PGS.TS Phạm Văn Tình – một trong những cố vấn – lý giải trong chương trình rằng: “Trò chơi ô chữ là trò chơi rất phổ biến trên thế giới.
Việt Nam đã áp dụng nhiều trong các tình huống dạy học và chơi. Vòng 4 khó, 15 giây để tìm đáp án cho một hàng thì rất thử thách người chơi”.
Nhà thơ Lữ Mai – cố vấn chương trình Vua tiếng Việt – cho rằng: “Những phản hồi đa chiều là gia tài quý giá mà khán giả mang lại.
Chúng tôi có nhiều điều cần bồi đắp thêm, có nhiều điều mình cần phải lắng lại, cần phải suy nghĩ nhiều hơn, dài hơn và rộng hơn để vốn liếng tiếng Việt của chính mình được giữ gìn, và lan tỏa nhiều hơn nữa”.