Ngày 27/2, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tạm giữ Trần Văn Hiệp (38 tuổi) và Trịnh Thịnh (44 tuổi) để điều tra vụ lái xe máy chặn đầu, đánh nhau với tài xế ô tô ở đường Vành đai 2 trên cao, đồng thời tiếp tục xác minh những người có liên quan.
Theo dõi vụ việc, nhiều người thắc mắc 2 người đàn ông đi ô tô ẩu đả với Hiệp và Thịnh có bị xử lý không?
Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong đoạn clip ngắn chia sẻ trên mạng xã hội chưa thấy được nguyên nhân sự việc, chưa thấy lời qua tiếng lại cũng như mâu thuẫn giữa các bên.
Tuy nhiên nội dung clip cho thấy, 2 người trên ô tô cũng bức xúc vì hành vi coi thường pháp luật của 2 người đi xe máy SH nên ngay khi bị chặn đầu xe và giật cửa, họ liền xuống xe, xông vào ẩu đả.
“Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của 2 người trên xe SH, đồng thời sẽ làm rõ hành vi của 2 người trên ô tô để xác định hành vi có được xác định là phòng vệ chính đáng hay không.
Nếu trường hợp là phòng vệ chính đáng thì 2 người đi ô tô không bị xử lý, nếu là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc là hành vi đánh nhau nơi công cộng (vì bực tức mà muốn gây thương tích cho nhau) thì có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng”, luật sư Cường lý giải.
Luật sư Cường phân tích, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc đánh nhau nơi công cộng hoặc hành vi đánh người nơi công cộng. Pháp luật chỉ cho phép công dân có quyền phòng vệ, tự vệ khi có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc xảy ra.
Việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề nơi công cộng phải thuộc trường hợp pháp luật cho phép và đòi hỏi cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, kiềm chế cảm xúc.
Trong tình huống và chạm giao thông mà xảy ra xô xát giữa các bên thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân của sự việc, đặc biệt là làm rõ yếu tố sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn do bên nào thực hiện trước, diễn biến hành vi sau đó của các bên như thế nào làm căn cứ giải quyết theo quy định.
Nếu 2 người đi xe máy SH tấn công trước, đe dọa uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe của 2 người trên ô tô hoặc dùng vũ lực với với người khác thì những người này có quyền được chống trả lại ở mức độ cần thiết, được coi là phòng vệ chính đáng, không phải là tội phạm.
Còn nếu 2 người đi xe máy không có ý định hành hung đối với người đi xe ô tô và người khác mà người đi ô tô lại có hành vi dùng vũ lực trước thì hành vi của họ là không cần thiết.
Theo Luật sư, trường hợp xảy ra va chạm giao thông, người tham gia giao thông cần phải bình tĩnh giải thích và giữ khoảng cách với đối phương để tránh đối tượng bất ngờ tấn công, gây thương tích cho bản thân mình.
Nếu đối tượng hung hãn, có hung khí thì không nên đối mặt, cần chốt cửa xe và gọi người cứu giúp hoặc gọi cảnh sát 113.
“Thời gian qua liên tục xảy ra vụ việc người tham gia giao thông bị đối tượng côn đồ hung hãn hành hung. Để bảo vệ bản thân, tài sản của mình hoặc tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, mọi người cần bình tĩnh xác định tình huống đã đến mức phải sử dụng vũ lực hay chưa và kiểm soát việc sử dụng vũ lực sao cho chỉ để chống trả ở mức độ cần thiết”, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp lưu ý.
Ngày 25/2, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một ô tô di chuyển ở Vành đai 2 trên cao (hướng cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở). Đến đoạn qua Khu đô thị Times City, ô tô này bị xe máy mang BKS 29H1- 747.96 do Trần Văn Hiệp và Trịnh Thịnh điều khiển, không đội mũ bảo hiểm, liên tục tạt đầu.
Không những vậy, 2 người này còn liên tục lái xe máy tạt đầu các ô tô đi cùng chiều, xe nào bấm còi thì bị họ đạp vào xe, đấm vào kính hoặc lái xe máy lên trước đầu ô tô rồi phanh gấp.
Đỉnh điểm của sự việc, khi một xe ô tô đi cùng chiều vượt lên, hai người đi xe máy liền chửi bới, chặn xe dẫn đến cuộc ẩu đả giữa đôi bên.
video-element" data-id="meDyUM4FZP1ZHhISnGe0Iwa_b_ca_b_c" data-poster="https://cdn-i.vtcnews.vn/upload/2024/02/27/danh-nhau-08340251.jpg">
Video: Hành hung người đi đường trên vành đai 2, hai thanh niên đi SH bị hạ knock out