Trong Công văn 5333/BXD-QLN gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản (BĐS) mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất đánh thuế trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá nhà ở, BĐS tại các đô thị liên tục tăng mạnh trong năm 2024, đặc biệt tại Hà Nội.
Chặn “ôm đất chờ thời”
Để khắc phục tình trạng tăng giá nhà ở, BĐS, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu giá sát với thực tế khu vực. Đồng thời, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ 2 hoặc bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Việc đề xuất đánh thuế BĐS thứ 2 trở lên hay người sở hữu nhiều nhà, đất không phải là ý tưởng mới. Trước đó, từ năm 2009 và đến năm 2018, Bộ Tài chính từng đề cập nội dung này khi bàn về dự án Luật Thuế tài sản. Vào tháng 8-2023, cử tri TP HCM cũng tiếp tục đề nghị đánh thuế với nhà thứ 2 và áp thuế cao hơn với nhà đất bỏ trống, không thu được giá trị từ đất.
Ngoài ra, khi thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất.
Mới đây, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế BĐS áp dụng cho 2 đối tượng gồm người mua căn nhà thứ 2 trở lên, chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
VARS cho biết nhiều năm trở lại đây, khái niệm “nhà hoang”, “biệt thự hoang”, “khu đô thị hoang” ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến. Ở bất cứ đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp tình trạng này. Từ đó cho thấy một nghịch cảnh trớ trêu, giữa một bên “đất, nhà hoang hóa” và một bên là cảnh người dân chật vật, làm cả đời cũng chưa chắc mua nổi một mảnh đất, căn nhà.
VARS đánh giá thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn tạo ra bất công xã hội, khi phần lớn nguồn cung nhà đất – đang ngày một khan hiếm – vẫn tiếp tục “rơi” vào tay những người dư dả tài chính.
Họ sở hữu một vài, thậm chí là hàng chục, hàng trăm BĐS nhưng để hoang, “ôm đất chờ thời”, dẫn đến tăng giá nhà đất, khiến cho khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày một hạn chế.
Đánh thuế thế nào?
Điều mà dư luận quan tâm là đề xuất đánh thuế này liệu có thực thi hiệu quả, góp phần ngăn chặn đầu cơ, chống tăng giá ảo hay không.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, hiện hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá; trong khi tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến “sốt đất” tại nhiều địa phương.
Nhà đầu cơ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả diễn ra phổ biến, mục đích đều là “đẩy giá kiếm lời”. “Việc nghiên cứu áp thuế BĐS là cấp bách để điều tiết thị trường. Không vì thấy khó ban hành mà bỏ qua chính sách này” – ông Đính nói.
Theo VARS, song song với việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội tại các đô thị, nhà nước cần có cơ chế điều tiết nhằm giảm bớt yếu tố đầu cơ, giúp thị trường BĐS cân bằng về mặt dài hạn.
Việc đánh thuế BĐS hiệu quả và minh bạch, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua BĐS phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất – kinh doanh sẽ vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách vừa giúp điều tiết thị trường BĐS. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới.
Về phương pháp, VARS cho rằng sắc thuế cần áp dụng với ngôi nhà thứ 2 trở lên. Như tại Singapore, bất cứ người Singapore nào mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị BĐS cho căn nhà thứ 2, 30% cho căn nhà thứ 3… Bên cạnh đó, mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch BĐS mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn.
Tại Singapore, bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị BĐS, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4% và sau năm thứ 4 không bị áp thuế, phí này.
Còn ở Hàn Quốc, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm thì bị đánh thuế 5%, 5 năm thì đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm thì đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10 năm thì đánh thuế 10%. Tại Mỹ, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế 3%…
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng quy định như vậy sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu BĐS đầu cơ trở nên rủi ro hơn.
Còn trường hợp nếu đánh thuế rồi mà người dân vẫn có nhu cầu đầu cơ thì ngân sách sẽ thu được thuế, phục vụ cho đầu tư công, xây dựng trường học, bệnh viện, công trình giao thông…
Xây dựng thị trường bất động sản minh bạch
Liên quan đến kiến nghị của Bộ Xây dựng, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 27-9, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình với đề xuất này của Bộ Xây dựng.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Chi, các chính sách đưa ra cần mang tính tổng thể và toàn diện, làm sao để xây dựng thị trường BĐS ngày càng trở nên minh bạch và phát triển bền vững hơn.
Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản:
Thực hiện đồng bộ
Việc đánh thuế nhà, đất là giải pháp bắt buộc phải làm bởi điều này đã được thể chế rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Nghị quyết nêu rõ: “Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái”, “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”.
Việc đánh thuế nhà, đất phải thực hiện đồng bộ, công bằng giữa các địa phương và cần có cơ sở dữ liệu để bảo đảm đánh thuế đúng đối tượng, phát huy hiệu quả của chính sách thuế.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS mới cũng đề cập xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, thị trường BĐS… Đây là dữ liệu quan trọng để thực thi Luật Thuế BĐS trong tương lai, sau khi được Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua.
Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP HCM:
Tạo công bằng đối với người nộp thuế
Đề xuất đánh thuế nhà, đất thứ 2 cũng như triển khai các giải pháp nhằm ổn định thị trường BĐS là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có phương án thống nhất để tạo sự công bằng đối với người nộp thuế. Cụ thể là trong định lượng và định tính, xem xét diện tích đất ở vị trí trung tâm và ngoài vùng ven sẽ tính như thế nào. Chẳng hạn, người có nhà thứ 2, thứ 3 ở trung tâm mà cộng lại tổng diện tích 200 m2, giá trị hơn 50 tỉ đồng sẽ đóng thuế khác với người có nhà thứ 2 cùng diện tích ở khu vực khác. Phương pháp hợp lý là phân diện tích, khu vực, giá trị… sao cho phù hợp, công bằng.
Điều quan trọng nữa là mức thuế phải sát với thị trường và phù hợp khả năng của người đóng thuế. Ví dụ, giá trị nhà thứ 2 là 100 tỉ đồng đến khi bán lên 200 tỉ đồng thì mức chịu thuế phải tăng theo giá trị căn nhà, nhưng nếu căn nhà đó giảm còn 90 tỉ đồng thì họ có được hoàn trả không, có phù hợp với khả năng của họ chưa…
V.Duẩn – S.Nhung ghi
Nguồn: https://nld.com.vn/danh-thue-so-huu-nhieu-nha-dat-de-chong-dau-co-19624092820475407.htm