Nằm trên núi cao, so mặt nước biển khoảng 800m, xã Vĩnh Sơn mang trong mình nét đẹp nguyên sơ, đặc trưng riêng có của mình. Khác với những địa điểm du lịch trên mọi miền Tổ quốc, vùng đất này lôi cuốn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên, núi đồi xanh mướt, không khí trong lành khiến người ta sẵn sàng bỏ lại sau lưng thành thị ồn ào náo nhiệt.
Nơi có thành đá cổ và hoa anh đào
Ở Vĩnh Sơn có khá nhiều điều đặc biệt, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là thành đá cổ Tà Kơn và vườn hoa anh đào Nhật Bản. Với những ai chưa từng đến Vĩnh Sơn, hẳn sẽ nghĩ thành đá cổ là thành trì do công sức con người dựng lên, nhưng thực tế thì không phải. Tà Kơn theo ngôn ngữ của người Ba Na nghĩa là đá chồng lên nhau.
Quả thật, ở đây có những dãy đá do cấu tạo địa chất từ hàng triệu năm trước hình thành, xếp chồng lên nhau một cách kỳ lạ, kéo dài đến hàng trăm mét theo một cấu trúc địa hình khá đặc biệt. Những khối đá hình lăng trụ cao từ 3-5m xếp lên nhau thành tầng, thành lớp như bức tường kiên cố sừng sững giữa núi rừng. Từ lâu, thành đá cổ Tà Kơn đã đi vào sử thi với những câu chuyện huyền bí của người Ba Na, bởi đó không chỉ là bức tường ngăn gió, chắn mưa, mà còn che chở người dân trước những kẻ thù xâm lược bên ngoài.
Điểm thu hút thứ hai ở nơi sơn cước này là vườn hoa anh đào rất đẹp. Năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định giao Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng thử nghiệm các loài hoa ôn đới, trong đó có hoa đào, cẩm tú cầu, mai anh đào Đà Lạt và anh đào Nhật Bản. Tháng 2/2019, Hội Hữu nghị Việt-Nhật tại thành phố Sakai đã hỗ trợ tỉnh Bình Định nhập 200 cây hoa anh đào Nhật Bản về trồng thử nghiệm tại xã Vĩnh Sơn.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quy hoạch Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Vĩnh Sơn, với quy mô hơn 28,5ha nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế không gian cảnh quan hồ A thủy điện Vĩnh Sơn và khí hậu địa phương để phát triển du lịch; tổ chức hình thức du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa. Đến nay loài hoa này đang được người dân trồng hai bên đường và quanh nhà tạo nên cảnh quan đẹp mắt.
Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Vĩnh Sơn hiện đã thi công một số tuyến đường mới và trồng hoa đào, hoa cẩm tú cầu, dã quỳ hai bên đường. Năm 2020, Hội Hữu nghị Việt-Nhật TP Sakai đã tặng tỉnh Bình Định 1.000 cây anh đào. Năm 2022, Hội Hữu nghị Nhật-Việt TP Sakai lên kế hoạch tặng tỉnh Bình Định 10.000 cây anh đào để trồng tại xã Vĩnh Sơn.
Đầu năm 2023, tỉnh Bình Định tiếp nhận lô quà tặng đầu tiên gồm 500 cây (giống Tairyo-zakura) và giao Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng, chăm sóc.
Tháng 7/2023, trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Vĩnh Thạnh, ông Wada Keiji, Phó Trưởng thị trấn Yoshino chia sẻ, thực tế cho thấy Vĩnh Sơn và Yoshino có một số điểm tương đồng về địa hình, tuy nhiên lại có sự khác biệt khá lớn về thời tiết, thổ nhưỡng. Trong thời gian tới, phía Nhật Bản sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và hỗ trợ huyện Vĩnh Thạnh trồng cây anh đào sao cho phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cho biết, sau thời gian trồng thử nghiệm đào Nhật Bản tại Vĩnh Sơn, đến nay, cây đã thuần đất và sống khỏe. Chỉ vài năm nữa thôi, cây hoa anh đào sẽ nở rộ sắc thắm, và được nhân rộng khắp vùng đất Vĩnh Sơn. Khi đó, nơi đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch thu hút du khách nhờ sắc hồng của hoa cùng với những di tích, thắng cảnh khác như thành đá cổ Tà Kơn, thác Hang Dơi, thác Lơ Pin…
Còn nhiều tiềm năng khai thác
Ngoài những lợi thế về địa hình sông, núi cũng như khí hậu mát mẻ, Vĩnh Thạnh còn có tiềm năng phong phú về văn hóa, ẩm thực, thủy lợi, thủy điện và nhiều sản vật rừng để thu hút khách du lịch. Trong đó, có thể kể đến động Hang Dơi, suối Nước Lá, vườn cam Nguyễn Huệ, hồ Định Bình…
Những năm gần đây, Vĩnh Thạnh đã được nhiều du khách biết đến với hình ảnh hoa trang rừng (hay còn gọi là cây trang nước), mọc tự nhiên bên bờ suối Tà Má, hoa cẩm tú cầu tại làng K3, hay suối nước nóng Vĩnh Thịnh.
Bên cạnh những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, du khách còn được thưởng thức những tinh hoa núi rừng qua các sản vật địa phương như rượu Vĩnh Cửu, rượu nhung nai Vĩnh Kim, gà rừng, rau dớn, cá niên… hay thả hồn vào văn hóa và đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na K’riêm trong những đêm lễ hội cùng những làn điệu hát ru qua các nhạc cụ dân tộc độc đáo cồng chiêng, đàn plơnkhơn.
Ở huyện Vĩnh Thạnh còn có nhiều di tích lịch sử-cách mạng, di tích lịch sử-văn hóa, các làng nghề thủ công truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể mang đậm bản sắc của dân tộc Ba Na như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, những bài hơ mon, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, kiến trúc nhà sàn, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, đàn tơ-rưng…
Có thể thấy, đây là những điều kiện thuận lợi để Vĩnh Thạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái gắn với việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, là điểm hẹn lý tưởng đối với mọi du khách.
Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết, năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã quy hoạch Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Vĩnh Sơn với quy mô 28,5 ha, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế không gian cảnh quan hồ A thủy điện Vĩnh Sơn đồng thời tổ chức mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa địa phương.
Theo Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020-2025, huyện Vĩnh Thạnh được xác định nằm trong cụm du lịch Tây Sơn-Vĩnh Thạnh và tuyến du lịch Quy Nhơn-An Nhơn-Tây Sơn- Vĩnh Thạnh. Trong thời gian tới, cùng với việc huy động vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Vĩnh Thạnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách du lịch, quy hoạch, hoàn thiện các tuyến đường liên kết để phục vụ phát triển du lịch.