Những nỗ lực xây dựng sản phẩm dịch vụ độc đáo, tạo đòn bẩy từ hoạt động liên vận quốc tế, vận tải đường sắt đã thay đổi ngoạn mục hình ảnh, thương hiệu.
Bất ngờ với những dịch vụ chưa từng có
Những ngày sát tết Dương lịch 2024, du khách trải nghiệm tàu cổ tuyến Đà Lạt – Trại Mát ngỡ ngàng, thích thú khi được xem biểu diễn hòa tấu âm nhạc trực tiếp trên tàu. Đây là hoạt động đường sắt tổ chức nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành phố Đà Lạt (1893 – 2023).
Hỏa xa cà phê tại ga Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải.
Trong tiếng đàn violin réo rắt, guitar sôi động, bà Cheong Yoeng Jae, du khách Hàn Quốc vừa thưởng thức ly trà nóng miễn phí, vừa háo hức ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố ngàn hoa trôi chầm chậm qua cửa sổ con tàu.
Bà cho hay, dù đã đi tàu du lịch ở nhiều nước, nhưng đây là lần đầu được đắm chìm trong không gian âm nhạc trên tàu.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN, đây là một trong nhiều chương trình mà đường sắt Việt Nam thực hiện trong năm 2023 nhằm đưa đến một hình ảnh đường sắt mới, hiện đại nhưng vẫn gắn với không gian văn hóa, lịch sử.
“Đường sắt Việt Nam với truyền thống hơn 140 năm có nhiều khu ga, cơ sở công nghiệp, công trình hạ tầng là các di sản gắn với lịch sử phát triển của đất nước.
Vấn đề là phải biết khai thác các di sản này”, ông Mạnh nói và cho hay, đơn vị đã tập trung xây dựng hình ảnh nhận diện đường sắt Việt Nam với việc liên tiếp ra mắt các chương trình, sản phẩm độc đáo, gắn với du lịch và với mục tiêu “đánh thức di sản”.
Ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai phong trào “Đường tàu – Đường hoa” với mục tiêu “Mỗi cung đường một loài hoa – Mỗi khu ga một điểm đến”.
Với mong muốn hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam, đường sắt vận động các đơn vị đường sắt và 34 tỉnh, thành có đường sắt đi qua trồng hoa, cây cảnh dọc đường sắt, đến nay đã trồng được hơn 70km.
Cùng đó, cải tạo, nâng cấp các khu ga trở thành điểm đến văn hóa ở mỗi tỉnh, thành, mà “Hỏa xa cà phê” tại ga Long Biên là một ví dụ, được đưa vào danh sách những điểm tham quan trên bản đồ du lịch Hà Nội.
Tháng 10, hành khách xôn xao, ưa thích đôi tàu chất lượng cao SE19/SE20 Hà Nội – Đà Nẵng thiết kế sang trọng như khách sạn được khai trương.
Toàn bộ nội thất toa xe được chỉnh trang, lắp đặt các thiết bị, tiện ích mới phục vụ hành khách; vách trong toa xe được trang trí họa tiết tượng trưng cho bốn mùa “xuân – hạ – thu – đông”; đội ngũ nhân viên được tuyển chọn, được trang cấp đồng phục riêng biệt để nhận diện thương hiệu đoàn tàu… Trên tàu có dịch vụ đặt mua đồ ăn, thức uống, sản vật địa phương qua app quét mã QR…
Tháng 11, người dân Thủ đô và du khách lại được trải nghiệm tàu hỏa “Hành trình di sản” trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Trên hành trình đó, du khách được trải nghiệm, tham quan ga Hà Nội, ga Long Biên, cầu Long Biên, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm… Chỉ trong hơn 10 ngày, các chuyến tàu đã thu hút trên 27.000 lượt khách đi tàu.
Cũng trong năm, đường sắt kết hợp với các địa phương, các đơn vị du lịch cung cấp đến khách du lịch nhiều chương trình, sản phẩm kết hợp vận tải – du lịch – lưu trú hấp dẫn, chi phí hợp lý như tàu food tour Hà Nội – Hải Phòng; combo du lịch Quảng Bình, Nha Trang, Huế…
“Với nhiều sản phẩm độc đáo đó đã đem lại hiệu quả thực sự. Năm 2023, dự kiến sản lượng vận tải khách của công ty đạt hơn 3,5 triệu lượt, bằng 144% so với năm 2022, doanh thu dự kiến hơn 1.150 tỷ đồng, bằng 149%.
Kết quả này bù đắp cho vận tải hàng hóa giảm do nhu cầu thị trường, đưa tổng doanh thu công ty hơn 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến gần 10 tỷ đồng”, ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội chia sẻ.
Liên vận quốc tế là đòn bẩy
Cùng với vận tải khách, đường sắt tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy vận tải hàng hóa.
Điểm nhấn là mở các tuyến vận tải liên vận quốc tế mới, mở hoạt động liên vận quốc tế tại các ga sâu trong nội địa, thu hút hàng xuất, nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt.
Tàu hàng liên vận quốc tế tại ga Yên Viên. Ảnh: Tạ Hải.
Ga Kép (Bắc Giang) được phép khai thác hoạt động liên vận quốc tế từ tháng 2/2023, ngoài phục vụ hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh, các chuyến tàu liên vận cũng đã góp phần xuất khẩu vải thiều tươi sang Trung Quốc.
Khu vực phía Nam, tại ga Sóng Thần đã đón, tiễn các chuyến tàu container liên vận quốc tế, phục vụ hàng công nghiệp, nông sản, trái cây tươi xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn tại ga Yên Viên, tàu chuyên tuyến từ Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) sang và ngược lại đã mở ra tuyến vận tải liên vận quốc tế mới.
Tại hai ga đường sắt biên giới Đồng Đăng, Lào Cai vẫn đều đặn những chuyến tàu hàng qua lại giữa hai nước.
Chỉ tính riêng tháng 11/2023, thông qua cửa khẩu đường sắt ga Đồng Đăng, đã có 292 toa xe với 8.323 tấn hàng xuất, 378 toa xe, với hơn 12.900 tấn hàng nhập.
Tương tự, tại cửa khẩu đường sắt ga liên vận quốc tế Lào Cai, các đoàn tàu liên vận vận chuyển hàng từ Việt Nam xuất qua Trung Quốc và ngược lại cũng luôn tấp nập.
Năm 2020, 2021, 2022 khối lượng vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu đường sắt đạt 864 nghìn tấn, 1,137 triệu tấn và 1,257 triệu tấn.
Đặc biệt năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với giải pháp phát triển các tuyến vận tải liên vận mới, khối lượng dự kiến cả năm vẫn đạt hơn 600 nghìn tấn. Trong đó, hàng xuất đạt hơn 253 nghìn tấn, hàng nhập đạt hơn 247 nghìn tấn.
Những kết quả ấn tượng
Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh khai thác hàng hóa liên vận quốc tế, chủ động tìm kiếm và khai thác nguồn hàng xuất, nhập khẩu vận chuyển giữa Việt Nam – Trung Quốc và đi các nước thứ ba, tăng sản lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu, Nga…
Chuyến tàu food tour Hải Phòng. Ảnh Tạ Hải.
Cùng đó, đơn vị này cũng nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc – Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm; đẩy mạnh khai thác khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy…
Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tính kết quả hợp nhất Tổng công ty Đường sắt VN năm 2020 lỗ 1.182 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 518 tỷ đồng và năm 2022 “thoát khó”, lãi 90 tỷ đồng.
Sang năm 2023, với nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, dự kiến vận tải hành khách đạt 6,1 triệu lượt, tăng 35,1% so với 2022; vận tải hàng hóa giảm do nhu cầu thị trường giảm, nhưng vẫn đạt 4,6 triệu tấn. Tính chung doanh thu vận tải toàn ngành đạt 3.973,4 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023.
Riêng công ty mẹ doanh thu dự kiến đạt 6.247 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2022; lợi nhuận đạt 4,5 tỷ đồng, tăng 50% so với kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao.
Năm 2024, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, đường sắt tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng, trong đó công ty mẹ đặt kế hoạch doanh thu 5.882 tỷ đồng, lợi nhuận 5 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
“Chúng tôi trân trọng, coi những khu ga, khu công nghiệp di sản như những “viên kim cương” bấy lâu đã ẩn giấu.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục “đánh thức” những viên kim cương này để tỏa sáng hơn nữa, đồng thời khai thác các dịch vụ mới, hấp dẫn, gắn với sinh hoạt văn hóa, chẳng hạn tổ chức cưới trên tàu, triển lãm nghệ thuật sắp đặt tại ga Hà Nội…”, ông Mạnh chia sẻ.
Kỳ Nam
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/danh-thuc-duong-sat-bang-nhung-thu-chua-tung-co-192240212165620547.htm