Đưa ra đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM, cho rằng dù đại dịch COVID-19 đã được khống chế, nhưng hậu quả đại dịch để lại vẫn còn rất nặng nề và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Căng thẳng về địa chính trị, tăng cường rào cản kỹ thuật từ các thị trường quan trọng của Việt Nam liên quan đến những sản phẩm xanh, sản xuất xanh, đã đặt ra những khó khăn và thách thức to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2023 cũng như trong những năm tiếp theo.
Bình luận thêm, bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết 2023 là năm khó khăn đối với nền kinh tế các nước. Vì thế, các ngân hàng trung ương đều tăng lãi suất để có thể kiểm soát lạm phát. Điều này đã kéo theo những hệ lụy tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng về cầu thị trường cũng như tăng trưởng kinh tế thế giới.
Đứng trước bối cảnh đó, Chính phủ đã nỗ lực để có thể giảm bớt những khó khăn và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo theo hướng quý sau cao hơn quý trước. Theo đó, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đáp ứng được tốt nhu cầu vốn cho phát triển, nhất là chỉ tiêu về đầu tư công. Tính chung 11 tháng đã giải ngân 461.000 tỷ đồng, cao hơn 6,7% và cao hơn 122.600 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ 2022.
Trong 11 tháng đã thu hút vốn FDI đăng ký ước đạt 28,8 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD, là mức vốn thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Song song đó, Việt Nam cũng kiểm soát lạm phát tốt, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01 của Chính phủ với 4,5%.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đã “cơ bản” vượt qua những “cơn gió ngược”. Đặc biệt, nhắc về động thái tăng cường xuất khẩu gạo vừa qua, TS. Nguyễn Minh Khương – giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore nhấn mạnh: “Việt Nam rất bản lĩnh, thế giới đang khen ngợi. Mình không chỉ vì mình mà vì cả thế giới”.
Với những thách thức do xung đột địa chính trị và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn, thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi…; tuy nhiên, những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023, những động lực cho tăng trưởng hiện nay sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Năm 2023 đi qua và được nhiều người ví von là một năm “được mùa” của ngoại giao Việt Nam với các chuyến thăm, làm việc, hội đàm dày đặc của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn khách quốc tế. Câu chuyện về một Việt Nam năng động, đổi mới luôn hiện hữu trong các diễn đàn cấp cao như Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia; hay trong các chuyến thăm song phương, đa phương của các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta đến các nước đối tác, bè bạn.
“Một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế và cùng thế giới chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”, đó là thông điệp nổi bật từ những hoạt động đối ngoại quan trọng này. Tất cả đã thể hiện một vị thế mới của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động.
Gần 50 năm đi lên từ cuộc chiến tranh với vô vàn khó khăn, Việt Nam có tiếng nói trên trường quốc tế và các cường quốc thay đổi thái độ với Việt Nam. Đó là Việt Nam đã biết tạo ra thế. Thế ở đây chính là đường lối chính trị, đối nội và đối ngoại đúng đắn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại bằng hình tượng “ngoại giao cây tre”: cứng, là kiên quyết, bền bỉ, song cách thức thực hiện là mềm dẻo.
Chính sách ngoại giao này dựa trên hai cơ sở quan trọng. Thứ nhất, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng, làm nền tảng. Đây cũng chính là kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai, đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao của Việt Nam dựa trên chính nghĩa. Bởi trên thế giới có nhiều quan điểm, có nhiều khuynh hướng, có nhiều luận thuyết chính trị khác nhau, nhưng tất cả các dân tộc trên thế giới nhìn vào ngoại giao một nước là họ xem nước đó có chính nghĩa hay không để họ ủng hộ.
Sự linh hoạt trong tư duy và đường lối ngoại giao của Việt Nam thời gian qua cũng đã phát huy tính hiệu quả. Lấy dẫn chứng khái niệm độc lập mà chúng ta vẫn đề cao, đến nay nội hàm của từ độc lập cũng thay đổi do thời thế lẫn cách tiếp cận.
Ngày trước, độc lập là kiểu “không anh nào được đụng đến tôi” và “tôi chơi riêng”. Còn trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, độc lập không thể như vậy mà cách tiếp cận là phải làm cân bằng các mối quan hệ phụ thuộc. Đó là những mối quan hệ lợi ích song trùng, song phương và cả đa phương đan cài nhau. Đây chính là nghệ thuật về ngoại giao để nâng tầm vị thế của mình. Việt Nam đang làm tốt điều này, cũng vì thế mà Việt Nam tuy cần các nước, nhưng các nước cũng phải cần đến Việt Nam.
Trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay, những hoạt động đối ngoại cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã tiếp tục phát huy mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích dân tộc do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương; với việc phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và việc đã có hơn 70 quốc gia công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường… Việt Nam cũng đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua việc ký các hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. Và đây cũng là lý do Việt Nam đã trở thành “điểm hẹn” đón tiếp nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo quốc gia và các nhà lãnh đạo tổ chức quốc tế.
Thông thường, khi nói đến lực của một quốc gia, người ta nghĩ ngay đến tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh. Việt Nam thì khác, vị thế của chúng ta được nhân lên bởi “sức mạnh mềm”. Đó là hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chính trị – xã hội, mô hình nhà nước và chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Bên cạnh đó là truyền thống lịch sử hào hùng, tính chính nghĩa, khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc ta, gắn với xu thế, ước vọng của các dân tộc về hòa bình, tự do, bình đẳng, bác ái.
Khi lướt mạng xã hội, tôi bắt gặp ngày càng nhiều những bức ảnh, những clip về một đất nước tươi đẹp về cảnh sắc, hài hòa về con người, một đất nước nhỏ bé nhưng tràn đầy bản lĩnh. Và cũng không khó để tìm kiếm những chia sẻ tràn đầy tự hào về quê hương đất nước của những thế hệ gen Z, gen Y.
Mỗi người dân đều có thể cảm nhận rõ mỗi bước đi lên của đất nước. Vị thế Việt Nam không phải tự nhiên mà có. Nó được xây dựng, bồi đắp qua bao biến thiên lịch sử. Nó như những vòng sóng nhỏ ban đầu, xao động, lan tỏa và tạo đà cho những con sóng lớn, những ngọn triều dâng. Vị thế Việt Nam manh nha từ thuở “Mẹ dẫn đàn con Tiên lên rừng, Cha dẫn đàn con Rồng xuống biển”. Năm này qua năm khác, bao thế kỷ đã đi qua, hình hài và sức vóc dân tộc lớn lên, biết chinh phục thiên nhiên, biết thắng kẻ thù để bảo tồn nòi giống, giữ lấy từng tấc đất, từng sải biển mà cha ông để lại.
Vị thế Việt Nam càng lớn dần lên qua gần 40 năm đổi mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chính thức ghi vào văn kiện: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Vị thế và uy tín quốc tế không chỉ là niềm tự hào mà thật sự trở thành một trong những nguồn sức mạnh tổng hợp của đất nước, một trong những sự bảo đảm vững chắc cho an ninh quốc gia, một trong những nguồn lực vô cùng quan trọng để chúng ta vững bước trên đường tới tương lai, với mục tiêu, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.