(Dân trí) – Không chỉ riêng bảng dự chi “một năm 6 ngày lễ đi thầy cô” xảy ra tại một trường học tại TPHCM, mà quỹ phụ huynh ở không ít nơi đều “nặng” vấn nạn… phong bì như vậy.
Nhìn vào danh sách bảng dự chi quỹ phụ huynh của một lớp 2 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TPHCM, ai cũng phải choáng ngợp trước kế hoạch chi “phong bì” cho giáo viên trong các dịp lễ.
Một năm học 9 tháng, danh sách này liệt kê ra có đến… 6 ngày lễ trong năm phụ huynh đi phong bì giáo viên.
Ngoài ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, danh sách này không trừ bất cứ một dịp lễ nào trong năm để tặng quà cho thầy cô. Cụ thể, ngày 20/10 thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, 8/3 và cả ngày tổng kết năm học.
Tùy dịp, khoản “phong bì” cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu, bộ môn với mức chi dao động từ 1 đến 2,5 triệu đồng.
Bảng dự chi trên của quỹ phụ huynh lớp học này đã bị nhà trường “tuýt còi” do thực hiện không đúng quy định và yêu cầu quỹ trả lại tiền cho phụ huynh đã đóng góp.
Theo lãnh đạo Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, việc thu chi này không đúng quy định theo Thông tư 55 về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường cũng đã phân tích cho phụ huynh hiểu về việc chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo mẫu là sai quy định.
Cũng cần nhìn thẳng, không chỉ riêng bảng dự chi “một năm 6 ngày lễ đi thầy cô” tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu mà thực tế quỹ phụ huynh ở không ít nơi đều “nặng” vấn đề phong bì như vậy.
Còn nhớ, cách đây không lâu, tờ dự toán thu chi gây sốc dài như “sớ Táo Quân” một lớp 9 tại trường THCS ở TPHCM cũng “nặng” khoản phong bì cho giáo viên dịp 20/11 và dịp Tết.
Trong đó, dịp 20/11, các khoản chi cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn, bảo mẫu, giám thị, nhập liệu tuyển sinh… với tổng số tiền 31 triệu đồng. Còn dịp Tết Âm lịch, tổng số tiền “đi” thầy cô là 27 triệu đồng.
Chị H.Ng.H., người mẹ có hai con học ở TPHCM cho rằng, việc tri ân thầy cô vào các dịp lễ trong năm không phải là chuyện lạ, phụ huynh có con đi học đều hiểu vấn đề này.
Vậy nhưng, theo chị H., việc đi quà cáp cho thầy cô gây bức xúc vì bị lạm dụng quá mức. Lẽ ra một năm chỉ 1-2 dịp tri ân, cảm ơn thầy cô thì giờ đây ở không ít nơi, ngày nào cũng có thể biến thành ngày… nhà giáo, kể cả Tết Trung thu. Nhiều nơi quỹ phụ huynh mặc định những khoản này trong năm gây ức chế cho không ít người.
Chị H. cho hay, mới đây, chị là người phản đối hội phụ huynh lớp chi quỹ mừng giáo viên dịp 20/10.
Bản thân không tiếc vài chục nghìn đóng góp nhưng với chị H. đây không phải là dịp phụ huynh tri ân nhà giáo. Chị cũng là phụ nữ, chị không có nhu cầu chúc mừng hay quà cáp cho người phụ nữ khác vào dịp này, dù đó là ai.
Chị H. bày tỏ, việc đi “phong bì” thầy cô tràn lan vào dịp lễ trong năm kéo theo rất nhiều hệ lụy. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều thứ bày vẽ ra không cần thiết, trong khi ở một tập thể, không phải ai cũng có điều kiện. Với nhiều gia đình, vài chục nghìn lo cho con ăn học cũng đã phải tính toán.
Đặc biệt, chị H. băn khoăn việc tặng phong bì thầy cô như hiện nay là phụ huynh “đi” thầy cô chứ không mang ý nghĩa giáo dục con trẻ bài học về tấm lòng biết ơn người thầy. Bố mẹ đang làm thay con quá nhiều, kể cả việc cảm ơn, bày tỏ tình cảm với thầy cô.
Chưa nói đến việc, chúng ta còn dạy cho con trẻ quen với bầu không khí “văn hóa phong bì” từ sớm.
Từng tham gia vào ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, chị H. chia sẻ, cũng có trường hợp, quỹ phụ huynh chi tiêu các khoản đều phải thông qua giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, nhất là khoản quà cáp, giáo viên không nắm được mà do ban đại diện phụ huynh tự lên kế hoạch.
“Phong bì nở rộ trong trường học nhiều khi rất mang tiếng cho thầy cô. Tính ra giá trị chẳng bao nhiêu nhưng người thầy gánh đủ điều tiếng không hay liên quan đến chiếc phong bì của phụ huynh”, chị H. nói.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Ngọc Linh, giáo viên bậc tiểu học ở TPHCM chia sẻ, cô rất đau lòng khi nghe mọi người bàn luận về chuyện quà cáp cho thầy cô. Các ngày lễ, cô thường thấy phụ huynh lên mạng hỏi nhau: “Nên tặng gì cho thầy cô? Đi bao nhiêu?, rất nặng nề.
Cô Linh từng gặp trường hợp phụ huynh trong lớp lên kế hoạch đi quà cáp thầy cô trong năm. Nhưng ngay sau đó, phụ huynh quay sang “tố” phải đóng tiền quỹ phụ huynh không đúng quy định.
“Có trường hợp giáo viên vòi vĩnh nhưng cũng không ít trường hợp giáo viên rất mang tiếng với những khoản lễ nghĩa này từ phụ huynh”, cô Linh nói.
Để bảo vệ giáo viên cũng như tránh áp lực cho phụ huynh, tại nhiều trường học, đặc biệt là tại các trường tư thục lâu nay có hẳn quy định giáo viên không nhận quà cáp, phong bì từ phụ huynh.
Có nơi trường không quy định về vấn đề này nhưng giáo viên chọn cách nói “không” với quà cáp phụ huynh gửi tặng… Với họ, đưa ra một lời từ chối là để chọn cho mình sự nhẹ lòng.
Tặng quà mang ý nghĩa tri ân là một nét đẹp, đặc biệt giữa mối quan hệ thầy trò. Vậy nhưng, khi việc tặng quà trở thành gánh nặng cho cả người tặng và người nhận thì việc tri ân này đã bị méo mó, biến tướng.
Chiếc phong bì trong danh sách dự chi của quỹ phụ huynh tưởng nhẹ tênh nhưng hóa ra nặng trĩu…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/danh-sach-mot-nam-6-ngay-le-thay-co-quy-phu-huynh-nang-phong-bi-20241024110628751.htm