Liên quan đến vụ việc Facebook của đầu bếp Võ Quốc (tên đầy đủ là Võ Đình Quốc) có lời lẽ xúc phạm báo chí, sau khi phạt hành chính 7,5 triệu đồng, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng cho biết Sở xem xét kiến nghị với Bộ Thông tin – Truyền thông đưa tài khoản Facebook Vo Quoc vào “danh sách đen” (blacklist). Theo đó, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM khuyến nghị các cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan, đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp… cân nhắc hợp tác với chủ tài khoản này. Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết đang xác minh, làm rõ thêm nội dung vi phạm của ông Võ Quốc, có thể đưa Facebook của ông này vào Blacklist nếu Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM đề xuất.
Tự do ngôn luận nhưng không thể loạn ngôn, lộng ngôn!
Việc những người nổi tiếng phát ngôn bừa trên mạng xã hội thời gian qua không phải là hiếm. Trường hợp của đầu bếp Võ Quốc như giọt nước tràn ly, nhiều người cho rằng việc áp dụng “whitelist” và “blacklist” là vô cùng cần thiết. Hơn 1 thập niên trở lại đây, mạng xã hội phát triển bùng nổ, tác động sâu rộng đến cuộc sống con người, các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những tác động tích cực, sự hiệu quả thấy rõ, mạng xã hội cũng giăng mắc nhiều hậu quả tiềm tàng, khôn lường. Trên mạng xã hội, mỗi người đều có thể tự do bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình nhưng phải là trong khuôn khổ quy định của pháp luật, nhất quyết không thể lợi dụng, lạm dụng để tùy tiện loạn ngôn, lộng ngôn, cản trở, chống phá…
“Không gian mạng như cái chợ trời, bày bừa từ những món hàng cao cấp đến cả thịt ôi thiu” – như nhận định của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, là thực trạng đã tồn tại từ lâu. Nhiều người dùng mạng xã hội đã bị lẫn lộn quyền tự do ngôn luận với hiện trạng loạn ngôn để bày tỏ quan điểm không chuẩn mực.
Và hơn hết, khán giả từ lâu cũng đã quá ngán ngẩm với thực tế nhiều nghệ sĩ nhận quảng cáo bất chấp trên trang cá nhân của mình. Điều những nghệ sĩ này nhìn thấy chính là lợi nhuận, là những con số lên đến hàng trăm triệu đồng cho một bài đăng trên trang cá nhân mà quên đi trách nhiệm cộng đồng của từng người, đặc biệt là trách nhiệm của một người nổi tiếng với xã hội.
Thực tế đã có nhiều nghệ sĩ phải lên tiếng đính chính, xin lỗi vì quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm, trong đó có Cát Tường. Sau 8 tháng im lặng, cô lần đầu xin lỗi vì quảng cáo lố sản phẩm sữa có công dụng trị tiểu đường.
Cụ thể, trong buổi xin lỗi, Cát Tường nói đã kiểm tra giấy tờ kinh doanh sản phẩm. Cô cho rằng mình chủ quan khi quảng cáo sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thổi phồng công dụng sữa thay thế thuốc có tác dụng điều trị tiểu đường.
Và Cát Tường đã ngụy biện cho sai lầm của mình rằng, cô không sản xuất thì không thể đảm bảo được chất lượng. Rồi cô cũng không biết được cái nào đúng, cái nào sai. Việc mọi người nói cô tiếp tay lừa đảo, giả mạo… là quy chụp.
Trước đó, Quyền Linh phải lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo loại sữa tương tự. Năm 2021, Hồng Vân xin lỗi vì nhận quảng cáo, thổi phồng công dụng viên sủi có tác dụng làm xẹp u xơ tử cung. Chuyện nghệ sĩ dùng tên tuổi quảng cáo bất chấp từ lâu khiến nhiều người bức xúc.
Rõ ràng việc các nghệ sĩ nhận quảng cáo “láo” cho sản phẩm kém chất lượng, hiểu rõ sản phẩm mà họ đang tiếp tay đưa đến người tiêu dùng ẩn chứa nhiều rủi ro, độc hại nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ vì cái họ được rất nhiều, còn hệ lụy thế nào là chuyện của xã hội. Vì sao có không ít người nổi tiếng Việt lại mặc sức “lộng hành” đến thế? Vì khán giả Việt quá dễ dãi và nhân hậu. Sau khi làm sai, người nổi tiếng chỉ cần nói lời xin lỗi rồi mọi thứ lại quay trở lại với quỹ đạo cũ, như chưa hề có “cuộc chia ly” nào.
Nhưng lần này với trường hợp của “Facebook Vo Quoc” đã đến lúc khán giả không thể dễ dãi hơn được nữa. Khán giả cần phải quyết liệt sử dụng quyền lực tẩy chay, cơ quan quản lý phải nghiêm khắc trong việc thực hiện quyền lực “blacklist” – để làm sạch môi trường giải trí vốn quá nhiều điều tiếng và thành kiến. Một môi trường làm nghề “sạch sẽ” sẽ chỉ còn lại những nghệ sĩ – nhân vật giải trí thực thụ, khao khát cống hiến tài năng của mình cho đời với một tinh thần trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Điều người nổi tiếng có được chính là danh tiếng, tiền tài. Và khi nhận được với những điều đó, họ phải có trách nhiệm tương xứng.
Nhìn quanh thị trường giải trí Hàn, Nhật, Trung Quốc… khi quyền lực “blacklist” và tẩy chay được áp dụng triệt để, những nghệ sĩ “nhúng chàm” chắc chắn không có đường lùi. Vì sợ, nên người nổi tiếng sẽ phải “uốn lưỡi” 7 lần trước khi nói hay làm điều gì cũng phải nhìn trước nhìn sau cho phải phép, nếu không họ không chỉ thân bại, danh liệt mà còn khánh kiệt về tài chính.
Trước nay, khán giả Việt quá nhân từ còn cơ quan chức năng thì chưa thật sự xử lý mạnh tay nên môi trường không gian mạng dường như vẫn chưa được cải thiện như mong đợi. Mức phạt hành chính vài triệu đồng chưa đáng là gì so với mức thu nhập của người nổi tiếng.
Vậy nên, với những sai phạm ở người nổi tiếng cần phải phạt thật nặng mới đủ sức răn đe. Thứ đến, mức phạt hiệu quả nhất dành cho họ chính là sự quay lưng, tẩy chay của khán giả!
Chủ tài khoản Facebook có thể bị phạt nếu bảo mật kém
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ tài khoản mạng xã hội phải chịu trách nhiệm với bài đăng và cần bảo vệ tài khoản cá nhân của mình.
Thời gian qua, một số chủ tài khoản mạng xã hội lấy lý do “bị hack” hoặc giao người khác quản lý, sau khi có những hành vi vi phạm trên mạng. Trên thực tế, các vụ tấn công chiếm tài khoản diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra, tài khoản của người nổi tiếng thường do nhiều người cùng quản lý.
Tuy nhiên theo ông Do, khi có hành vi vi phạm xảy ra, chủ tài khoản vẫn là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm.
“Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn” – ông Do nói. Trong trường hợp phát ngôn vi phạm nghiêm trọng, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc bị xử lý hình sự, theo Luật An ninh mạng.
Nghị định thay thế Nghị định 72 (2013) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được trình lên Chính phủ. Ông Do cho biết nghị định nếu được thông qua sẽ bổ sung nhiều quy định mới, với mục đích lớn nhất là “quản lý đời thực thế nào thì quản lý trên mạng như vậy” và người dùng cũng cần có ý thức bảo vệ, quản lý tài khoản của mình trên mạng xã hội.
Theo dự thảo nghị định, tài khoản của người dùng trên mạng sẽ được xác thực theo thông tin cá nhân, và có thể sẽ được sử dụng vào nhiều việc khác nhau, không chỉ là đăng tin, mà có thể là kinh doanh, buôn bán. “Trách nhiệm gắn với chủ tài khoản rất nhiều, vì vậy người dùng cần bảo vệ tài khoản này như tài khoản ngân hàng vậy” – ông Do nói.
Cục khuyến nghị người dùng thận trọng và hạn chế chia sẻ tài khoản. Nếu buộc phải chia sẻ, cần có hợp đồng thỏa thuận làm rõ những người nào cùng tham gia sử dụng và chịu trách nhiệm về phát ngôn đăng tải trên tài khoản đó.
Trong trường hợp tài khoản bị chiếm quyền điều khiển, Cục cho rằng người dùng cần gửi báo cáo ngay cho nền tảng. Những tài khoản có sức ảnh hưởng cần liên hệ bằng email tới địa chỉ [email protected], đồng thời tìm cách thông báo công khai về tình trạng của mình. Khi có vi phạm xảy ra, đây sẽ là bằng chứng để cơ quan chức năng xem xét xử lý.
Khánh An