(NADS) – Sau Lễ trao giải và công bố các tác phẩm đoạt giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Miền Đông Nam Bộ năm 2024 ngày 23/8 tại Tây Ninh, dư luận giới nhiếp ảnh băn khoăn và có nhiều ý kiến trái chiều về tác phẩm đoạt giải.
Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã chỉ đạo Hội đồng Nghệ thuật của Hội và Hội đồng Giám khảo của Liên hoan ảnh khu vực này kiểm tra lại các thông tin và có ý kiến đánh giá về chuyên môn tác phẩm này.
Theo kết quả, Tác phẩm ảnh “Ánh sáng tương lai” của tác giả Nguyễn Kim Hoàn (Ninh Thuận) đoạt Huy chương Vàng trong cuộc thi Khu vực Miền Đông Nam Bộ năm 2024.
Hội đồng Giám khảo (HĐGK) Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Miền Đông Nam Bộ năm 2024, đã có một số ý kiến đánh giá về tác phẩm “Ánh sáng tương lai” đoạt Huy chương Vàng như sau:
Theo thể lệ cuộc thi: “… Thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người trong khu vực; Phản ánh những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế…”, tác phẩm này đã đáp ứng đúng theo tiêu chí cuộc thi.
Với mong muốn đổi mới và nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật Việt Nam, trong thời gian qua Hội NSNA Việt Nam đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm và luôn cầu thị sự góp ý chân thành có trí tuệ, có trách nhiệm, có tầm vĩ mô của giới chuyên môn, của các nhà khoa học, của hội viên và những người yêu nhiếp ảnh để nền nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, đúng hướng như Nghị quyết 23 của Bộ chính trị đã tổng kết sau 15 năm triển khai và thực hiện.
Vì vậy HĐGK cũng muốn tìm vẻ đẹp nghệ thuật và sự sáng tạo trong kỹ thuật nhiếp ảnh, mà tác phẩm “Ánh sáng tương lai” của nhiếp ảnh gia trẻ đã tìm lại được những kỹ thuật chạy sáng và phân sắc.
Ảnh phân sắc là một phong cách chỉnh sửa ảnh để tạo ra hiệu ứng đơn sắc, thường là đen trắng hoặc chỉ chứa một màu sắc duy nhất. Phân sắc thường được sử dụng để tạo ra cảm giác cổ điển, mang tính nghệ thuật hoặc tạo điểm nhấn cho đối tượng trong bức ảnh. Tính thẩm mỹ của ảnh phân sắc phụ thuộc vào cảm nhận và ý thức cá nhân về mỹ thuật, văn hóa, thẩm mỹ và phong cách mà tác giả muốn truyền tải.
Trước đây, các nhiếp ảnh gia muốn tạo được những ảnh kỹ thuật chạy sáng và phân sắc phải thực hiện trong buồng tối, đây là kỹ thuật rất khó và kỳ công để cho ra được một tác phẩm tốt. Tính nghệ thuật trong các bức ảnh ngày nay được nâng tầm là nhờ công nghệ hỗ trợ đã làm thoả mãn ý tưởng sáng tạo của người nghệ sĩ.
Ở ảnh này, tác giả Kim Hoàn đã khéo léo vận dụng kỹ thuật này vào tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, tác giả đã vận dụng tốt và cải thiện hơn nữa bằng cách thêm vào một số chi tiết nhỏ (bộ bảo hộ màu cam) để tạo ra cảm giác mềm mại hơn.
Trong Liên hoan ảnh nghệ thuật, HĐGK muốn đi tìm những tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo. Đây là bức ảnh chứa nhiều dụng ý, kết hợp giữa kỹ thuật chụp và kỹ thuật hậu kỳ công phu của tác giả.
Cuộc thi có thể lệ mở nên tác giả thoả sức bay bổng sử dụng các kỹ thuật photoshop, chạy sáng, ghép hình… để thể hiện ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, độ chuyển trong sắc độ ảnh rất tốt, bố cục ảnh tạo ấn tượng. Đây là tác phẩm duy nhất trong bộ giải và triển lãm có kỹ thuật chụp và hậu kỳ kỳ công nhất.
Trước đây, phương pháp sử dụng kỹ thuật phân sắc độ, chạy sáng này đã được cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu (Đà Lạt) sử dụng và làm cho cả thế giới kính phục với nhiều tác phẩm, tiêu biểu như bức ảnh Dáng ngoại từng liên tiếp đoạt 5 giải thưởng: Cúp Vàng nhiếp ảnh Việt – Mỹ, Cúp Vàng Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Huy chương Vàng tại Salon Montesson (Pháp)… Tuy nhiên, qua nhiều năm, phương pháp này dần ít được sử dụng.
Tác phẩm tập trung vào một công trình kỹ thuật quy mô lớn của ngành điện lực. Việc sử dụng vùng ánh sáng trắng làm nền (phía sau) tạo ra sự tương phản mạnh mẽ với các đường nét đen trắng của công trình. Kích thước của công trình so với vầng sáng phía sau tạo cảm giác về sự đồ sộ và tầm quan trọng của công trình trong không gian. Việc sử dụng tông màu đen trắng giúp tập trung vào hình khối và đường nét của công trình, tạo nên cảm giác mạnh mẽ và rõ ràng. Tác giả đã tăng độ tương phản để làm nổi bật các chi tiết của công trình và tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.
Các đường nét của công trình được làm sắc nét, tạo cảm giác chính xác và tỉ mỉ trong việc thể hiện kết cấu, kiến trúc, tạo ra hiệu ứng chiều sâu và nhấn mạnh vào công trình chính.
Ngoài tính thẩm mỹ cao, thu hút người xem bằng sự đơn giản mà tinh tế, tác phẩm đã truyền tải thông điệp thành công, rõ ràng về sự hùng vĩ và phức tạp của công trình kỹ thuật. Sự cân bằng giữa nghệ thuật và kỹ thuật, sự kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật (tương phản, đường nét), yếu tố kỹ thuật (hình khối, cấu trúc) và kỹ thuật xử lý ảnh đã tạo nên một tác phẩm sống động, hài hoà.
Vì vậy, HĐGK đã thống nhất chọn tác phẩm “Ánh sáng tương lai” của tác giả Nguyễn Kim Hoàn đoạt giải Huy chương Vàng.
Tuy nhiên, những ngày qua, nhận được nhiều phản ánh của dư luận. Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam đã giao cho Ban Kiểm tra xác minh tác phẩm “Ánh sáng tương lai” và được tác giả xác nhận là chụp ở địa điểm ngoài khu vực Đông Nam Bộ, như vậy tác phẩm đã vi phạm thể lệ của Liên hoan này. Vì vậy, Ban Chấp hành sẽ tiến hành các biện pháp xử lý tác phẩm phạm quy theo điều lệ và quy chế của Hội.
Ban Tổ chức cho biết cũng vừa nhận được đơn xin rút Giải thưởng của tác giả Nguyễn Kim Hoàn.
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/danh-gia-ve-tac-pham-doat-huy-chuong-vang-lien-hoan-anh-kv-mien-dong-nam-bo-nam-2024-15081.html