“Trong dự thảo luật xuất hiện những chính sách mới ngoài các chính sách đã trình ở đề nghị xây dựng luật, cần có tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý.
Ngày 3-4, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.
Trình bày tờ trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để phù hợp với chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn là rất cần thiết; nhằm bảo đảm cho người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó là kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đánh giá hồ sơ dự án luật đã cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số dữ liệu, số liệu trong hồ sơ dự án luật khá cũ, chưa được cập nhật. Dự thảo luật cũng có một số điều, khoản giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết. Tuy nhiên, dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết lại chưa đảm bảo yêu cầu. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật bổ sung quy định điều chỉnh sản phẩm oxy y tế, đây không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Về vấn đề này, còn có ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để có quy định phù hợp.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc nhận định, trong lần sửa đổi này, dự thảo luật có sửa đổi 2 khoản liên quan đến ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc lưu động cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đồng thời huy động cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia cung ứng thuốc và nuôi trồng dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân tại các vùng trên.
“Những chính sách này được thiết kế khá chung chung, cần xem xét; đồng thời cần bổ sung thêm nội dung ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, sản xuất, bảo tồn dược liệu quý hiếm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, bà Lịch nói.
Về phần mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nhận xét, có nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện Luật Dược hiện hành, tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cho dự thảo luật, cơ quan soạn thảo chỉ chọn một số nội dung để sửa đổi, chủ yếu là các nội dung liên quan đến thủ tục, quy trình giải quyết những vấn đề trước mắt, hoặc những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế.
“Đề nghị giải trình rõ việc lựa chọn vấn đề sửa đổi luật, đồng thời cần rà soát còn các vướng mắc, bất cập mà các đại biểu Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội đã nhiều lần đề cập”, bà Lan góp ý.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhìn nhận, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, tuy nhiên, nội dung sửa đổi vẫn còn chưa tương xứng. Đáng lưu ý, trong dự thảo luật xuất hiện những chính sách mới ngoài các chính sách đã trình ở đề nghị xây dựng luật, cần có tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để đảm bảo dự án luật này thống nhất với Luật Giá, Luật Đấu thầu, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ giữa chính các quy định của Luật Dược.
ANH PHƯƠNG