(LĐ online) – Năng động, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm đó là những điều mọi người cảm nhận được khi tiếp xúc, tham quan mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP của đảng viên trẻ Đào Tuấn, sinh năm 1982, ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm.
Đảng viên trẻ Đào Tuấn |
Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2004 anh tham gia nhập ngũ tại Lữ đoàn 147, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, đóng quân ở tỉnh Quảng Ninh. Những năm tháng trong quân ngũ, anh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, được học những điều mà nếu không vào quân ngũ sẽ không bao giờ được trải nghiệm. Những trải nghiệm đó đã giúp anh trưởng thành hơn về bản lĩnh chính trị, phát triển về thể lực, rèn luyện những đức tính tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời rèn luyện về ý thức cần, kiệm, liêm, chính, làm việc luôn tập trung cao độ, có chuẩn mực và không bao giờ ngại khổ. Năm 2006, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn rất tự hào khi mình đã trở thành một đảng viên được rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội. Những đức tính được rèn luyện đã giúp cho tôi xử lý công việc tốt và có những định hướng đúng đắn hơn cho tương lai của mình. Đến cuối năm 2007, sau khi rời quân ngũ, anh đã chọn vùng đất Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng để lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới.
Thời gian đầu mới vào Bảo Lâm, anh được người bác ruột xin cho vào làm việc ở Công ty Nhôm Lâm Đồng. Là người năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, anh được công ty cho đi đào tạo chuyên môn và là kỹ sư trong phân xưởng của tổ hợp Bô xít với mức lương ổn định. 13 năm gắn bó với Công ty Nhôm Lâm Đồng, thế nhưng, trong anh luôn nung nấu ý định phát triển kinh tế bằng nghề nông từ khi đặt chân đến vùng đất này. Bởi theo anh quan sát, nghiên cứu thì chất đất ở đây rất thuận lợi để trồng các loại cây nông nghiệp. Từ đó, anh Tuấn đã quyết định xin nghỉ việc ở công ty để đầu tư mô hình trồng cây cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để có được vườn cà chua đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Tuấn đã tìm hiểu về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây để trồng các loại cây phù hợp. Nhận thấy vùng đất Đơn Dương trồng cây cà chua đem lại hiệu quả, anh đã nhờ người quen giới thiệu đến học tập kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà chua. Năm 2018, gia đình anh tiến hành đầu tư và trồng thử nghiệm 5 sào cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP. Mới đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhất là chưa hiểu được đặc tính của cà chua nên năng suất rất thấp. Sau những lần thất bại, anh đã rút ra kinh nghiệm từ khâu trồng, đến chăm sóc. Khi biết được tập tính, sinh trưởng, đặc biệt là cây cà chua hay bị sương muối và nấm lá nên hằng ngày anh phải kiểm tra, phát hiện để có biện pháp xử lý sớm sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng của quả. Bên cạnh đó, anh chú ý hơn tới việc chăm sóc đảm bảo đúng quy trình nên năng suất cà chua tăng cao.
Anh Đào Tuấn chia sẻ về cách trồng, chăm sóc cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP |
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cà chua tiêu chuẩn VietGAP, anh Tuấn cho biết: Kỹ thuật trồng cà chua trước tiên phải lựa chọn vùng đất thịt hoặc cát pha, cần cày bừa làm đất nhỏ tơi xốp và bón lót phân chuồng đã ủ hoai mục. Nguồn nước tưới phải là nước sạch, cây cà chua ưa ẩm, sợ úng, vì vậy cần điều chỉnh độ ẩm của ruộng cho phù hợp với từng thời kỳ. Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo các yêu cầu, ưu tiên dùng những thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc nằm trong danh mục cho phép có thời gian phân hủy nhanh, thời gian cách ly ngắn. Khi tiến hành trồng phải có hồ sơ ghi chép đầy đủ các khâu thực hiện, việc ghi chép này giúp người tiêu dùng có thể truy nguyên lại được toàn bộ quá trình.
Từ 5 sào ban đầu, đến nay, anh Tuấn đã mở rộng diện tích trồng cà chua lên đến 3,2ha. Trung bình 1 sào, anh Tuấn trồng khoảng 3.000 cây cà chua và áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Tuấn cho biết, giống cà chua này có ưu điểm là năng suất cao, quả có màu đỏ tươi, phần thịt bên trong thì dày và mọng nước, cây cho nhiều chùm, mỗi chùm từ 5 – 6 trái. Thời gian thu hoạch cà chua kéo dài 4 tháng một vụ, năng suất đạt 9 tấn/1 sào/vụ. Với diện tích 3,2ha, anh Tuấn thu hoạch trên 270 tấn cà chua/vụ. Với giá bán hiện nay ở mức 12.000-15.000 đồng/1 kg, sau khi trừ chi phí, anh Tuấn thu về trên dưới tỷ đồng/năm. Đến nay, gia đình anh đã tạo việc làm cho 10 lao động là nông dân trong thị trấn với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 8 đến 10 triệu đồng/người.
Ngoài cà chua là cây trồng chủ lực, anh còn trồng luân canh cây cà chua với các loại cây như: đậu leo, dưa leo và rau các loại để cải tạo đất và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong quá trình luân canh, tuyệt đối không trồng cà chua chung với những cây họ “cà”, vì các loại sâu bệnh sẽ dễ lây lan ảnh hưởng đến chất lượng của cây trồng chính.
Vừa phát triển kinh tế gia đình, anh Tuấn mong muốn nhân rộng mô hình trồng cà chua của gia đình đến với bà con trong vùng làm theo. Hiện tại, anh hỗ trợ cho bà con nông dân ở xã B’Lá, huyện Bảo Lâm trồng thêm 3 vườn cà chua với diện tích 2ha. Anh đã trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà chua, hỗ trợ vốn, cây giống và tiêu thụ sản phẩm.
Phát huy vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân thị trấn Lộc Thắng, anh Tuấn đã cùng Ban Chấp hành chủ động phối hợp với chính quyền, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học – kỹ thuật, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân.
Nghị lực, quyết tâm của đảng viên trẻ Đào Tuấn trong phát triển kinh tế đã mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình. Mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh là địa chỉ cho nhiều người đến tham quan, học tập góp phần nâng cao đời sống gia đình và phát triển kinh tế của địa phương.