Vì sao từ sàn thương mại điện tử đến các chợ, hàng Trung Quốc như thời trang, đồ gia dụng… đang lấn át hàng Việt?
Sau bài viết Tiểu thương bán hàng Trung, bỏ hàng Việt, nhiều bạn đọc cho biết sẽ có nhiều hệ lụy nếu người tiêu dùng và tiểu thương quay lưng với hàng Việt.
Và chính doanh nghiệp Việt cần phải sớm thay đổi để cứu lấy mình.
Muốn ủng hộ hàng Việt lắm, nhưng…
Theo bạn đọc Cát Dương, đằng sau một món hàng Việt trên thị trường có công sức của biết bao nhiêu người lao động. Thậm chí họ có thể là chính bản thân chúng ta, hoặc người thân, bạn bè, họ hàng của ta.
“Kinh tế đang khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất, anh chị em công nhân đều khổ. Bạn bỏ một món hàng Việt ra và thay bằng một món hàng ngoại nhập là gián tiếp khiến mọi thứ tệ hơn. Ủng hộ hàng Việt cũng có nghĩa là chúng ta đang giúp chính bản thân mình”, bạn đọc Cát Dương chia sẻ.
Cùng quan điểm, bạn đọc Hưng cho rằng doanh nghiệp không cạnh tranh được thì nhân viên sẽ thất nghiệp.
Chúng ta cứ bảo cạnh tranh sòng phẳng nhưng đến lúc doanh nghiệp sản xuất trong nước bị thất thế thì khi đó nhiều người sẽ không có việc làm.
Tuy muốn ủng hộ hàng Việt, nhưng thực tế nhiều bạn đọc cho biết vấn đề không chỉ “muốn là được”.
Theo bạn đọc Đức Tăng, gia nhập WTO rồi thì phải chịu thôi. Hàng Việt Nam phải cải tiến chất lượng, giá cả mới mong cạnh tranh lại với hàng Trung Quốc.
Tương tự, bạn đọc ngoc****@gmail.com cho rằng người tiêu dùng chỉ cần giá tốt và chất lượng tương xứng, người buôn thì cần tối đa lợi nhuận. Vậy nên đừng kêu gọi ủng hộ suông.
“Cứ tìm cách nâng cao chất lượng và cạnh tranh giá thành thì người tiêu dùng sẽ tự tìm đến thôi. Chứ vài cái hội chợ, dăm ba cái hội thảo kêu gọi dùng hàng nội, rồi vài ngày sau lại quên ngay”, bạn đọc này nhận định.
Dẫn chứng cho việc dù muốn ủng hộ hàng Việt nhưng nhiều lúc rất ngại, bạn đọc Ngân cho biết mua dép da do doanh nghiệp trong nước sản xuất 200.000 đồng/đôi nhưng sử dụng được một tháng bung bét. Mua dép nhựa đi được mấy bữa đổ màu lem nhem. Trong khi dép nhựa Trung Quốc cùng giá tiền đi cả năm.
Còn bạn đọc Tài đặt câu hỏi tại sao cùng sản phẩm và chất lượng mà hàng của mình giá cao hơn mặc dù giá nhân công không cao? Có phải do hàng của mình phải qua quá nhiều khâu trung gian, mỗi nơi tốn một ít nên sản xuất ra giá cao là đúng.
Nhiều loại thuế, hàng Việt khó cạnh tranh?
Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng vấn đề không chỉ là hàng ngoại nhập, mà chính môi trường kinh doanh trong nước đang góp phần khiến doanh nghiệp nội thất thế.
Thực tế, bạn đọc Ba Phi cho biết với nhiều chính sách tích cực đi kèm, phí vận chuyển một đơn hàng từ Trung Quốc sang TP.HCM đang rẻ hơn từ Hà Nội vào TP.HCM trên cùng một sàn, cùng một đơn vị vận chuyển của sàn.
Chưa kể đơn hàng dưới 1 triệu họ được miễn thuế VAT, miễn thông quan, chạy thẳng từ bên Trung Quốc qua Việt Nam luôn.
“Còn cửa hàng tại Việt Nam phải đóng VAT 1% doanh thu, hơn nữa nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu thì lại phải đóng VAT 10%. Cửa hàng, doanh nghiệp ở Việt Nam làm gì để chống chọi lại?”, bạn đọc Ba Phi so sánh.
Trong khi đó, bạn đọc Sloran cho biết cũng từng thử kinh doanh nhỏ nhưng hàng Trung Quốc phá giá, không thể cạnh tranh nổi nên dẹp tiệm.
“Hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chi phí sản xuất rẻ, không bị đánh thuế, được hưởng ưu đãi, được sàn thương mại hậu thuẫn, vận chuyển nhanh nên giá bán rẻ, hàng hóa tràn lan ngoài thị trường” – bạn đọc Sloran viết.
Vì thế, theo bạn đọc hoad****@gmail.com, phải thu thuế tất cả các đơn hàng có nguồn gốc nhập khẩu ít nhất 10%. Từng bước tăng thuế có lựa chọn.
Nhiều bạn đọc cho rằng Nhà nước cần kiểm tra gắt gao xuất xứ hàng hóa hàng ngoại nhập, ngành hải quan, quản lý thị trường… phải làm tốt công việc để ngăn chặn hàng chất lượng kém, hàng ngoại nhập lậu.
Rất tâm tư với câu chuyện hàng nhập giá rẻ, bạn đọc An cho biết tốc độ máy dệt Trung Quốc cao hơn mình, một người Trung Quốc đứng nhiều máy dệt hơn mình. Sản xuất bao gồm ba yếu tố con người, kỹ thuật và quy trình. Nguồn nguyên liệu và vùng nguyên liệu cũng ảnh hưởng đáng kể.
“Nên bài toán cả quy hoạch khu vực phát triển, khu công nghiệp, khu dân cư, kết nối giao thông… Một bức tranh lớn sẽ cho thấy điều ta cần làm.
Nâng cao tay nghề, cải tiến máy móc quy trình là việc doanh nghiệp cần làm ngay. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, quy hoạch chuẩn sẽ giúp tăng kết nối và cạnh tranh”, bạn đọc An viết thêm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dang-sau-mon-hang-viet-la-cong-suc-cua-nguoi-than-ban-be-vi-sao-lai-quay-lung-2024102416105831.htm