Trong một chương trình truyền hình, Jennie (Blackpink) tiết lộ cô từng không ngủ trong 4 ngày liền vì lịch trình ghi hình dày đặc.
Ở một buổi phỏng vấn, 2 thành viên nhóm Le Sserafim cho biết vòng eo của họ khoảng 43cm.
Chia sẻ của những nữ thần tượng dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng Kpop tạo nên nỗi ám ảnh về ngoại hình siêu gầy, trong khi nhiều người chỉ ra lịch trình làm việc khắc nghiệt khiến thần tượng kiệt sức và liên tục tụt cân.
Tiêu chuẩn vẻ đẹp độc hại
Theo SCMP, IU từng gây xôn xao khi hé lộ thực đơn giúp cô giảm 5kg trong vòng 5 ngày. Mỗi ngày, nữ ca sĩ tiêu thụ một quả táo, hai củ khoai lang và bột protein.
Sau đó, IU mắc chứng rối loạn ăn uống, nôn ói vì lo lắng, căng thẳng với chế độ ăn khắc nghiệt. Không chỉ đối với IU, việc cắt giảm khẩu phần, thậm chí nhịn đói để giảm cân là cơn ác mộng của nhiều thần tượng nữ.
Bởi lẽ, vòng eo thon và thân hình mảnh mai được coi là tiêu chuẩn cho thấy thần tượng biết quản lý bản thân, phù hợp với chuẩn mực cái đẹp.
Nữ diễn viên Goo Hye Sun từng phải giảm cân cật lực vì bị đồn mang thai, phẫu thuật thẩm mỹ sau khi tăng cân. Momo (TWICE) có lần gây sốc khi tiết lộ ăn đá viên cả tuần để ép cân. Ailee chỉ nạp 500 calo mỗi ngày và luôn biểu diễn trong tình trạng đói.
Cuối cùng, không ăn gì lại trở thành cách giảm cân hiệu quả nhất. Các ca sĩ buộc phải giữ thân hình siêu gầy để nhìn vừa vặn khi lên hình, để không bị chỉ trích là lười biếng, thiếu trách nhiệm.
Theo Korea Times, các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc là một xã hội bị ám ảnh một cách bất thường bởi sự “gầy”. Lee Jong-im, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Văn hóa & Xã hội, cho biết việc ám ảnh về thân hình mảnh mai bắt nguồn từ nhận thức rằng ngoại hình là chìa khóa dẫn đến thành công.
Áp lực khiến phụ nữ trẻ liên tục bỏ bữa
Nhà phê bình văn hóa Hwang Jin-mi cũng đồng tình với quan điểm phụ nữ Hàn Quốc có áp lực phải duy trì vóc dáng như một bé gái.
“Trong phim truyền hình, diễn viên nam có ngoại hình khác nhau, nhưng hầu hết diễn viên nữ đều có vóc dáng gầy gò. Ở các chương trình tuyển chọn nhóm nhạc, các cô gái trẻ đều run rẩy, không ngừng nghĩ xem ai xinh hơn mình. Những chương trình như vậy có thể khiến giới trẻ nghĩ rằng họ nên giảm cân để hòa nhập tốt hơn”, Hwang Jin-mi đánh giá.
Cùng với xu hướng ưa chuộng âm nhạc trực quan, nhiều khán giả chú trọng vào ngoại hình của một idol hơn là khả năng chuyên môn của họ.
Áp lực từ truyền thông và dư luận khiến nhiều nghệ sĩ buộc phải áp dụng thực đơn ăn kiêng nguy hiểm. Sau đó, nhiều người trẻ cũng bắt chước quy trình giảm cân đó với mong muốn có thân hình gầy nhất có thể.
Tờ Korea Daily JoongAng đưa tin, tỉ lệ người mắc chứng biếng ăn và các rối loạn về ăn uống ngày càng tăng, tập trung ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Năm 2023, Cơ quan Đánh giá Bảo hiểm Y tế công bố số liệu chỉ ra số bệnh nhân đến bệnh viện do chứng chán ăn tâm thần đã tăng 30% trong 5 năm, từ 1.661 người vào năm 2017 lên 2.201 người vào năm 2021, trong đó 75% là phụ nữ.
Trong khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Macromillembrain thực hiện trên 1.050 người, gần 60% cho biết mục đích giảm cân của họ là để trông đẹp hơn hơn là khỏe mạnh hơn. Gần 90% số người được hỏi cho biết họ coi việc chăm sóc ngoại hình là một phần quan trọng trong quá trình “phát triển bản thân”.