Vụ một thanh niên gốc Phi bị cảnh sát bắn chết đã châm ngòi lửa cho các cuộc bạo loạn lớn và khơi lại các tranh cãi, khúc mắc giữa cảnh sát và người dân nghèo vùng ngoại ô ở Pháp.
Quang cảnh cuộc đụng độ của người biểu tình với cảnh sát trên đường phố Lyon, Pháp trong cuộc bạo loạn, ngày 30/6. (Nguồn: AFP) |
Tại Pháp, vụ một cảnh sát bắn tử vong một thiếu niên gốc Algeria và Morocco đã kéo theo các cuộc bạo loạn tàn khốc ngay sau đó, phơi bày sự căng thẳng tiềm ẩn giữa lực lượng an ninh và cộng đồng người da màu và người Arab sống trong các khu vực đô thị nghèo nhất của đất nước.
Điều này cũng làm dậy sóng những cáo buộc về bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát Pháp, lực lượng được cho là có phần cứng rắn hơn so với các đồng nghiệp ở châu Âu.
Vấn đề kép về bạo lực và phân biệt chủng tộc
Vụ việc gợi nhớ tới cái chết gây rúng động của người đàn ông da màu George Floyd do bị một cảnh sát Mỹ ghì cổ trước sự chứng kiến của nhiều người hồi tháng 5/2020. Sự kiện này cũng gây nên một làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc mạnh mẽ ở Mỹ.
Tương tự, tuần qua tại Pháp, bạo lực bùng phát và nhanh chóng lan rộng từ Nanterre đến các ngoại ô khác trên khắp đất nước sau đó lan tới trung tâm thủ đô Paris. Hình ảnh kinh đô ánh sáng những ngày gần đây là các hàng rào chắn, ô tô và các công trình công cộng bị đốt cháy, các cửa hàng bị cướp phá…
Đây có thể xem là cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất mà nước Pháp phải chứng kiến kể từ năm 2005, khi các thanh niên chủ yếu thuộc các dân tộc thiểu số tàn phá các khu dân cư khó khăn nhất của đất nước trong ba tuần sau khi hai thiếu niên bị tử vong do tai nạn trong khi bị cảnh sát truy đuổi.
Ông Sebastian Roché, một chuyên gia nghiên cứu về cảnh sát tại trường Đại học Sciences-Po, nhận định, cảnh sát Pháp đang phải đối diện với “một vấn đề kép về bạo lực và phân biệt chủng tộc”, trong khi cả hai vấn đề này đều không được chính phủ trong hiện tại và quá khứ thừa nhận.
Trong khi đó, ông Éric Marliere, nhà xã hội học tại Đại học Lille, đánh giá rằng, những hình ảnh về các vụ việc tương tự đã từng xuất hiện trong quá khứ nhưng không quá nghiêm trọng bằng vụ việc lần này.
Ông Éric Marliere nói: “Chúng ta đang phải chứng kiến một cảnh tượng rất bạo lực, giống như vụ việc của ông George Floyd và điều này đã góp phần gia tăng các phong trào biểu tình”.
Đây có lẽ cũng là một mối bận tâm lớn khác đối với Tổng thống Emmanuel Macron, người đang tìm cách phục hồi hình ảnh ở trong và ngoài nước sau nhiều tháng nước Pháp rơi vào tình trạng đình công vì cải cách lương hưu.
Ông chủ Điện Élysée phải hoãn lại chuyến thăm Đức để ở lại đối phó với cuộc khủng hoảng. Vào tuần trước, nhà lãnh đao cũng buộc phải nhanh chóng rời khỏi Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) để trở lại Paris.
Những thành kiến về cảnh sát
Không phải lần đầu tiên cảnh sát Pháp “mạnh tay” trong xử lý các vụ việc, đặc biệt với người dân tộc thiểu số. Vào đầu những năm 1960, các sĩ quan dưới sự chỉ huy của cảnh sát trưởng Paris Maurice Papon đã giết hại hàng chục, nếu không muốn nói đến hàng trăm người Algeria tham gia vào một cuộc biểu tình đòi độc lập.
Trong những thập niên tiếp theo, vùng ngoại ô có nhiều người nhập cư, nghèo đói và tội phạm ở rìa các thành phố lớn của Pháp đã đặt ra một thách thức không nhỏ cho cảnh sát.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Sebastian Roché, căng thẳng giữa người dân và lực lượng an ninh ở các vùng ngoại ô nghèo đã trở nên tệ hơn trong vòng 15 năm qua, đặc biệt là kể từ cuộc bạo loạn năm 2005 khi cảnh sát bị bất ngờ và mất kiểm soát tình hình.
Trong những năm tiếp theo, dưới các chính phủ khác nhau, nhiều biện pháp mới đã được áp dụng để cảnh sát kiểm soát các khu vực ngoại ô, chủ yếu là xây dựng các lực lượng cứng rắn hơn. Chẳng hạn như các đội chống tội phạm được trang bị đặc biệt để thực hiện các vụ bắt giữ và trấn áp những phần tử nóng nảy nhất. Các sĩ quan cũng được trang bị súng LBD, súng chống bạo động bắn đạn cao su.
Theo thống kê, cảnh sát Pháp đang có xu hướng giải quyết vấn đề bằng súng đạn nhiều hơn so với các đồng nghiệp ở châu Âu. Trong thập niên vừa qua, trung bình ở Pháp có 44 người bị cảnh sát gây tử vong mỗi năm, con số này thấp hơn rất nhiều so với hàng trăm người ở Mỹ, nhưng lại cao hơn rất nhiều so với Đức hoặc Anh.
Một phần nguyên nhân có thể liên quan đến tiêu chuẩn thấp và thời gian đào tạo ngắn của lực lượng cảnh sát Pháp trong bối cảnh ông Macron nỗ lực nhanh chóng tăng cường lực lượng cảnh sát sau khi ông nhậm chức vào năm 2017.
Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ tuyển dụng cảnh sát Pháp đã tăng từ 1/50 ứng viên lên 1/5 ứng viên mỗi năm. Những người mới được tuyển dụng hiện chỉ có thời gian đào tạo trong vòng 8 tháng, ít hơn nhiều so với thời gian 3 năm ở Đức.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở chất lượng nghiệp vụ, mà vấn đề còn là các quy định mà sĩ quan cảnh sát phải tuân thủ.
Sau vụ xả súng ở Nanterre, nhiều người đã chỉ trích một đạo luật được thông qua vào năm 2017 cho phép cảnh sát sử dụng vũ khí của mình ngay cả khi tính mạng của họ hoặc của người khác không gặp nguy hiểm cận kề. Sau khi dự luật này được thông qua, số người bị giết trong phương tiện di chuyển cá nhân do không tuân thủ lệnh dừng xe đã tăng gấp 5 lần với kỷ lục 13 người thiệt mạng trong các tình huống như vậy vào năm ngoái.
Theo thống kê của Reuters, phần lớn những người thiệt mạng khi bị cảnh sát dừng xe kể từ khi quyền hạn sử dụng vũ lực của họ được mở rộng là người da màu hoặc người gốc Arab. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giống như ở Mỹ, những đứa trẻ da màu có nguy cơ bị cảnh sát kiểm tra danh tính cao hơn nhiều so với những người da trắng cùng tuổi và có thể bị đánh đập, xúc phạm hoặc bạo lực trong những lần tiếp xúc đó.
Bạo loạn chấm dứt, mâu thuẫn còn đó
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin nhiều lần khẳng định rằng, trong khi vẫn tồn tại một vài cảnh sát chưa đúng mực thì nhìn chung cảnh sát Pháp không phải là những người phân biệt chủng tộc và lực lượng an ninh là “ trường học tốt nhất cho sự hòa nhập cộng đồng ở đất nước Cộng hòa”.
Bà Michel Wieviorka, Giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp tại trường Đại học Sciences-Po, cho rằng, cách nhìn của người Pháp về xã hội, nơi chọn bỏ qua tầm quan trọng của ý thức thuộc về các nhóm dân tộc, tôn giáo hoặc văn hóa của mọi người, “khiến cho việc nói lên sự thật trở nên khó khăn”.
Sau vụ nổ súng ở Nanterre, các phương tiện tin tức chính thống của Pháp thậm chí còn phải vật lộn để giải quyết trực tiếp câu hỏi rằng liệu vụ việc có kết thúc khác nếu người lái xe là người da trắng hay không.
Theo bà Michel Wieviorka, đối với những thanh niên phẫn nộ ở vùng ngoại ô, cảm giác bất công, phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc là rất thực tế.
Tình trạng bất ổn dường như đang vượt xa cách họ bị cảnh sát đối xử. Cư dân vùng ngoại ô của Pháp có ít cơ hội hơn mức trung bình để thành công ở trường học và cả ở thị trường lao động, trong đó các đảng chính trị đang có xu hướng coi những khu ổ chuột này là “khoảng trống chính trị” mà họ ít bận tâm đến.
Trong bối cảnh này, các vụ bạo loạn bùng phát thường xuyên với cường độ gia tăng ngày một nhiều. Khoảng 5.000 phương tiện bị đốt cháy, 1.000 tòa nhà bị hư hại, 250 vụ tấn công vào đồn cảnh sát và hơn 700 sĩ quan bị thương chỉ trong vài ngày gần đây, làn sóng bất ổn mới đã gây thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với vài tuần bạo động làm rung chuyển nước Pháp năm 2005.
Trong tuần này, Tổng thống Macron dự kiến sẽ gặp thị trưởng của hơn 200 thị trấn chịu ảnh hưởng bởi các cuộc bạo loạn. Rất ít quan sát viên có cái nhìn lạc quan rằng cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn đến bất kỳ thay đổi thực sự nào trong khi ngọn lửa mâu thuẫn vẫn cứ tiếp tục âm ỉ bất chấp tuyên bố chấm dứt bạo loạn của chính phủ.