Theo giải thích của bác sĩ Vikash Modi trong một bài báo được xuất bản bởi hệ thống y tế Piedmont (Ấn Độ), cơ thể mọi người đã quen với môi trường khí hậu nhất định và khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể phải cố gắng thích nghi. Nhưng đôi khi cơ thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nên có thể gây ra bệnh.
Tại sao thời tiết thay đổi lại gây bệnh?
Nhiều chuyên gia y tế giải thích rằng: Bản thân thời tiết không phải là nguyên nhân khiến mọi người bị bệnh, mà sự thay đổi này tạo ra môi trường thuận lợi để mầm bệnh và virus gây bệnh phát triển.
Trang tin y tế Narayana Health cho biết hằng năm, hầu hết người lớn bị cảm cúm 2 – 4 lần và và trẻ em 5 – 7 lần, và những lần mắc bệnh này gần như trùng khớp với số lần thay đổi thời tiết trong năm.
Hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng khi thời tiết và nhiệt độ thay đổi đột ngột, và đây có lẽ là lý do gây ra cảm lạnh, ho và đau đầu, theo Inquire.net.
Những bệnh dễ mắc phải do thay đổi thời tiết
Bác sĩ Modi chia sẻ một số bệnh có thể bùng phát bởi sự thay đổi đột ngột của thời tiết:
Nhiễm trùng và bệnh đường hô hấp trên.
Các vấn đề về xoang và họng mạn tính.
Hen suyễn theo mùa và viêm phế quản do không khí lạnh gây ra.
Dị ứng theo mùa từ phấn hoa.
Cảm lạnh và cúm bùng phát.
Đau cơ và khớp.
Các cách để phòng bệnh khi thời tiết thất thường
Mặc dù không thể ngăn chặn bệnh hoàn toàn, nhưng bạn có thể bảo vệ bản thân và giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các cách sau:
Súc miệng bằng nước muối: Đây là cách đơn giản để rửa sạch vi khuẩn có thể còn sót lại trong miệng và cổ họng.
Giữ ẩm: Giữ nước giúp giữ ẩm cho màng nhầy trong đường mũi, giúp chống lại mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Ngủ đủ giấc: Nghiên cứu cho thấy những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm dễ bị cảm lạnh gấp 3 lần so với những người ngủ hơn 7 tiếng.
Tập thể dục: Nghiên cứu cho thấy thường xuyên tập thể dục nhẹ – 45 phút trong 3 đến 5 ngày mỗi tuần – có thể giúp hệ thống miễn dịch có khả năng chống lại các bệnh về đường hô hấp trên cao hơn.
Rửa tay: Bàn tay có thể mang rất nhiều vi trùng mà bạn tiếp xúc trong ngày. Ăn uống cân bằng và tập trung vào thực phẩm chống viêm như rau lá xanh đậm, quả mọng, cá hồi và khoai lang. Các loại hạt cũng có thể tăng cường khả năng miễn dịch khi chuyển mùa, theo tờ Times Of India.
Ngoài ra, để phòng bệnh và giữ sức khỏe tốt, nên tiêm phòng cúm hằng năm.