Chiều 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp để ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể mạnh lên thành bão. Cuộc họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Ninh Bình – Bình Định.

Sau khi nghe các bộ, ngành và địa phương báo cáo tình hình ứng phó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hôm qua, áp thấp nhiệt đới di chuyển với tốc độ khá nhanh nhưng đến giờ đã đi chậm lại và có thể mạnh lên thành bão.

w 459858214 1307455616905524 6612674810430717007 n 10378.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu. Ảnh: Đình Hiếu

“Chúng tôi lo lắng khi áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm lại, khi ấy áp thấp sẽ nạp thêm năng lượng để mạnh lên nên rất khó dự báo. Bão số 4 nếu có hình thành sẽ có gió giật đến cấp 10 và gây một đợt mưa khá lớn, tập trung chủ yếu vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu lại bài học kinh nghiệm vào năm 2020, bão gây ra một đợt lụt rất tồi tệ.

“Kinh nghiệm từ cơn bão số 3 Yagi cho thấy, trước bão, trong bão thì chúng ta đã chuẩn bị ứng phó rất kỹ nhưng sau bão gây mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt thì lại gây ra nhiều thiệt hại”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị, các bộ ngành và địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ để tránh trú bão. Đồng thời, rà soát tình trạng ngập lụt và sơ tán dân, bởi khu vực này nếu mưa lớn sẽ gây chia cắt, các lực lượng cần nêu cao tinh thần “4 tại chỗ”.

W-1 (8).jpg
Người dân đưa thuyền lên bờ để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
Ảnh: Hà Nam

“Đáng lo ngại nhất là ngập lụt tại đô thị, nhất là tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng – nơi đã xảy ra những trận ngập lụt lịch sử, đề nghị các địa phương theo dõi các bản tin dự báo để chuẩn bị tinh thần sơ tán người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Ông cũng nhấn mạnh với tinh thần “xanh nhà còn hơn già đồng” cần cho thu hoạch ngay số lúa mùa ngoài đồng… cũng như thủy sản ở các ao, hồ.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị rà soát các hồ, đập, đê điều để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.

Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, đến 10h ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị – Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110km về phía Đông Đông Nam. Đến chiều cùng ngày, bão đi vào đất liền Quảng Trị – Quảng Nam, sau đó suy yếu.

Dự báo chiều tối ngày 18/9 đến 19/9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100 – 300mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa, Nghệ An từ 70-150mm, có nơi trên 250mm; Tây Nguyên từ 40-80mm, có nơi trên 150mm.