Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một phụ huynh tới từ Phú Thọ cho biết con đã có thông tin của hai trường báo trúng tuyển nhưng nghe nói vẫn phải “đăng ký lại” nên phải đón xe từ 5h sáng đến buổi tư vấn để hỏi.
Trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống
Trao đổi liên quan tới băn khoăn này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) – khẳng định: Trường hợp đã trúng tuyển sớm bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT trong thời hạn từ ngày 18-7 đến trước 17h ngày 30-7.
Trong thời hạn này, thí sinh có thể đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Sau thời hạn trên, hệ thống sẽ đóng lại, thí sinh không thể bổ sung, điều chỉnh nguyện vọng được nữa.
Bà Thủy cho biết năm trước cũng phải xử lý những trường hợp đã trúng tuyển sớm và yên tâm đi du lịch, cho tới khi biết cần đăng ký lên hệ thống thì đã quá thời hạn quy định.
Rất nhiều câu hỏi liên quan tới việc xếp thứ tự nguyện vọng như thế nào? Nhiều phụ huynh lo ngại con đã trúng tuyển sớm thì có cần để nguyện vọng đó ở vị trí số 1 không, nếu xếp sau liệu có trượt mất cơ hội đó không?
Một người bố đi cùng con đến buổi tư vấn băn khoăn về việc con anh muốn đặt nguyện vọng yêu thích số 1, nhưng ít cơ hội không trúng tuyển. Anh thì muốn con đặt nguyện vọng có cơ hội đỗ cao lên số 1 vì sợ rằng các trường sẽ ưu tiên tuyển hết nguyện vọng 1, mới tuyển đến các nguyện vọng sau đó.
Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định: Thứ tự các nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh. Vì hệ thống sẽ xét từ trên xuống, thí sinh đỗ ở nguyện vọng nào sẽ dừng ở nguyện vọng đó, không xét tiếp nữa. Vì thế thí sinh để nguyện vọng đã trúng tuyển ở cuối nhưng các nguyện vọng xếp trên trượt hết thì hệ thống vẫn xác định thí sinh đỗ nguyện vọng này.
Không cần đăng ký phương thức, tổ hợp
Nhiều phụ huynh băn khoăn về việc “không tìm thấy mục đăng ký phương thức, tổ hợp xét tuyển trên hệ thống”.
Về điều này, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định khi đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ cần quan tâm tới ngành đào tạo và trường. Tuy nhiên, thí sinh sẽ phải cập nhật lên hệ thống những dữ liệu mà thí sinh có liên quan tới việc xét tuyển (điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ năng lực quốc tế, đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội…). Phần mềm sẽ tự động lựa chọn phương thức, tổ hợp mà thí sinh có lợi nhất để xét tuyển.
PGS.TS Vũ Duy Hải, trưởng ban tuyển sinh – hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội), cũng khẳng định thí sinh có nguyện vọng vào ĐH Bách khoa Hà Nội có điểm thi đánh giá tư duy không cần phải xác nhận xét tuyển với điểm đánh giá tư duy mà hệ thống sẽ giúp thí sinh lựa chọn, đảm bảo quyền lợi cho các em.
Một số phụ huynh đặt câu hỏi về giá trị của chứng chỉ IELTS ở thời điểm này, trong trường hợp thí sinh chưa sử dụng chứng chỉ cho việc trúng tuyển sớm. PGS.TS Vũ Thị Hiền – trưởng Phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương – cho biết: Tùy theo quy định của mỗi trường sẽ vẫn có thể xét tuyển theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS với một tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, các trường cũng có thể xét tuyển phương thức điểm thi. Với các tổ hợp có ngoại ngữ, các trường có thể sẽ cho phép thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS để quy đổi thay thế cho môn thi ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển có ngoại ngữ. Việc quy đổi sẽ tùy theo mỗi trường quy định.
Cô Hiền cũng cho biết năm nay sẽ có một số trường quy định ngưỡng điểm tốt nghiệp của các môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển thí sinh đã đăng ký theo phương thức xét tuyển sớm (xét điểm học bạ). Ví dụ Trường ĐH Ngoại thương ngưỡng điểm là 24. Trong trường hợp này, thí sinh cũng có thể sử dụng chứng chỉ IELTS để thay thế điểm thi môn ngoại ngữ để có thể đạt ngưỡng quy định của trường.
Trượt năm nay, năm sau xét tuyển như thế nào?
Đây cũng là một băn khoăn được nhiều thí sinh gửi câu hỏi cho các chuyên gia tại phiên tư vấn. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhắc lại thông tin từng được Bộ GD-ĐT xác nhận trước đó: Thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay vẫn có thể sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tốt nghiệp hoặc sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Về nguyên tắc thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó.
Tuy nhiên bà Thủy cũng khuyên thí sinh cố gắng có lựa chọn sáng suốt để đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào năm nay. Vì năm sau, số thí sinh dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ không còn nhiều và có thể các cơ sở đào tạo sẽ không dành nhiều chỉ tiêu cho đối tượng này nên các em có thể sẽ chịu sự cạnh tranh lớn hơn so với năm nay.
Bà Thủy cũng lưu ý thí sinh rằng trong nhiều năm qua hầu hết các cơ sở đào tạo lớn sẽ tuyển sinh hết chỉ tiêu ngay trong đợt 1 xét tuyển, không còn nhiều lựa chọn cho thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung. Vì thế việc đăng ký xét tuyển trong đợt 1 theo lịch đã nêu ở trên rất quan trọng.
Lo lắng “điểm nửa vời”
Chị Nguyễn Thị Cúc (Phú Thọ) cho biết con vừa thi tổ hợp D01 được 25,5 điểm, tuy nhiên sau khi biết điểm cả nhà lại lo lắng vì mọi dự tính trước đó bị đảo lộn. Ban đầu gia đình đang ngắm con sẽ học kinh tế ở nhóm trường tốp đầu, thế nhưng chị Cúc cho rằng với điểm số trên là rất “hẹp đường” vào trường kinh tế tốp đầu, thấp hơn cả điểm chuẩn những năm trước.
“Với những thí sinh điểm cao thì rất dễ đặt nguyện vọng, nhưng “điểm nửa vời” như con tôi thật khó, do vậy hai mẹ con đến ngày hội để tìm những nguyện vọng tối ưu với năng lực, sở thích”, chị Cúc nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dang-ky-nguyen-vong-len-he-thong-xet-tuyen-can-luu-y-gi-20240721081512528.htm