Hôm nay 20-7, đông đảo thí sinh, phụ huynh đã đến Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 diễn ra ở Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), để được nghe tư vấn đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
“Không trường nào được thay đổi quyền lựa chọn nguyện vọng của thí sinh”
Tại khu vực sân khấu tư vấn chung ở TP.HCM, rất nhiều phụ huynh phản ánh hiện nhiều trường đại học yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng 1 đối với thí sinh đã trúng tuyển sớm.
“Các trường này lưu ý nếu thí sinh không đăng ký nguyện vọng 1 thì sẽ không được công nhận trúng tuyển chính thức. Trong khi con tôi hiện vẫn muốn đăng ký xét tuyển tiếp vì ngành trúng tuyển sớm chưa ưng ý. Nếu phải đăng ký nguyện vọng 1 ngành đã trúng tuyển thì đâu được chọn ngành khác để xét tuyển nữa”, một phụ huynh băn khoăn.
Liên quan đến việc này, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM – cho hay trong những ngày qua, ông cũng có nghe thông tin nhiều trường khuyên thí sinh phải đặt nguyện vọng 1 vào trường đã trúng tuyển sớm.
“Tôi xin nhấn mạnh rằng thí sinh đừng bao giờ làm theo yêu cầu này. Hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thiết kế theo nguyên tắc tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn và trúng tuyển vào ngành mình yêu thích, trường tốt nhất, theo đúng nguyện vọng của thí sinh.
Việc quyết định đặt thứ tự nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển là quyền thiêng liêng của thí sinh. Không có trường nào được thay đổi quyền đó.
Cho nên thí sinh thích ngành, trường nào nhất thì đặt nguyện vọng đó cao nhất, rồi đến các nguyện vọng thấp hơn và cuối cùng mới ghi nguyện vọng mình đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm.
Khi xét tuyển, hệ thống xét theo cách lọt sàn xuống nia, dù rớt hết các nguyện vọng trên thí sinh vẫn chắc chắn đậu vào ngành đã trúng tuyển sớm. Đừng dại dột ngay lúc này kết thúc cuộc chơi bằng cách ghi nguyện vọng 1 ngành mình đã trúng tuyển sớm, trong khi mình vẫn còn mong muốn chọn ngành, chọn trường yêu thích hơn”, ông Bảo tư vấn.
Trước yêu cầu đưa ra lời khuyên cho thí sinh khi sắp xếp nguyện vọng đăng ký xét tuyển, ông Bảo chia sẻ: “Cách đặt nguyện vọng tốt nhất là ngành nào yêu thích nhất, trường nào mình thích nhất thì đặt ở vị trí nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1). Cho dù điểm của mình có thấp một chút so với điểm chuẩn năm trước nhưng cứ mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1”.
Phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm nay thí sinh không bị hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đến 17h ngày 30-7. Việc đăng ký xét tuyển thực hiện trên hệ thống chung của bộ.
Hiện tất cả thí sinh đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe.
Tất cả thí sinh, dù đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm hay bây giờ mới đăng ký xét tuyển đều phải đăng nhập trang tuyển sinh chung của bộ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
“Về nguyên tắc, thí sinh được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không bị giới hạn số lần. Thí sinh phải đăng ký, sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ”, ông Hùng lưu ý.
Sau khi đăng ký thành công, từ ngày 31-7 đến 17h ngày 6-8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống của bộ.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay việc rà soát chính sách ưu tiên của thí sinh đã đưa vào quy chế chính thức và giao nhiệm vụ này cho giáo viên ở các trường THPT phụ trách. Hiện thí sinh vẫn còn thời gian để rà soát kỹ lại thông tin về ưu tiên trong tuyển sinh của mình có chính xác chưa.
“Đây là việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả đỗ và trượt đại học sau này của thí sinh. Nếu thấy còn sai sót, chưa đúng hoặc sai với quyền lợi ưu tiên lẽ ra thí sinh được hưởng thì cần đề nghị với trường THPT mình học để chỉnh sửa ngay. Đến lúc các trường đại học tải dữ liệu về để xét tuyển không bị sai sót, ảnh hưởng quyền lợi thí sinh”, ông Hùng nói.
Đối với thí sinh tự do, ông Hùng cũng cho hay hằng năm có khoảng 30.000 – 50.000 thí sinh. Hôm nay 20-7 là ngày cuối cùng cấp tài khoản đăng ký xét tuyển cho thí sinh tự do, nếu chưa có tài khoản, thí sinh cần khẩn trương liên hệ các đơn vị tiếp nhận do sở giáo dục và đào tạo quy định để được cấp tài khoản.
Điểm không cao có nên đăng ký ngành công nghệ thông tin?
Một thí sinh cho biết rất yêu thích ngành công nghệ thông tin, tuy nhiên điểm thi không cao nên sợ không trúng tuyển vào ngành này ở các trường công lập. Bạn băn khoăn không biết có nên đăng ký nguyện vọng vào ngành công nghệ thông tin ở các trường tư thục.
Giải đáp thắc mắc của thí sinh, TS Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho hay ngành công nghệ thông tin hiện nay đang được đào tạo ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng.
Mức điểm trúng tuyển vào nhóm ngành này ở các trường tốp đầu (Trường đại học Bách khoa TP.HCM, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM…) khá cao. Trong khi rất nhiều trường khác mức điểm không quá cao.
“Tại trường chúng tôi, mức điểm trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin dao động 19-20 điểm. Trường còn xét tuyển học bạ, trong đó ngành công nghệ thông tin có điểm chuẩn từ 18-21.
Ngoài ra, cũng có thể chọn học ngành này ở cao đẳng với thời gian học tập ngắn hơn để ra trường làm việc sớm. Bậc cao đẳng mức điểm xét tuyển cũng nhẹ nhàng hơn. Như vậy thí sinh có rất nhiều lựa chọn.
Điều quan trọng nhất là nếu các em thật sự đam mê ngành công nghệ thông tin thì dù học trường nào cũng có thể thành công”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dang-ky-nguyen-vong-1-the-nao-diem-khong-cao-co-nen-chon-nganh-cntt-20240720134619353.htm