Khó công nhận sản phẩm 4 sao OCOP
Năm 2023, tỉnh Quảng Nam có 89 sản phẩm hết hạn công nhận hạng sao OCOP (chương trình “mỗi xã một sản phẩm”), nhưng chỉ có khoảng 30 sản phẩm đăng ký công nhận lại. Nguyên nhân là do bộ tiêu chí mới công nhận sản phẩm OCOP có nhiều thay đổi, yêu cầu cao và mất nhiều thời gian để làm hồ sơ, khiến nhiều chủ thể gặp khó khi đăng ký công nhận lại.
Ông Hứa Đại Dương, hợp tác xã (HTX) Địch Yên (xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) cho biết, theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, thì sản phẩm Bánh tráng lề Địch Yên (sản phẩm 4 sao) chưa đáp ứng tiêu chí về nhãn hiệu tập thể.
Cụ thể, thời gian từ khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đến khi cấp giấy chứng nhận từ 16 đến 18 tháng trở lên, khiến HTX rất khó để giữ được chuẩn 4 sao. Điều này gây nhiều bất lợi, vì nếu bị tụt sao phân hạng sẽ gây hiểu nhầm đối với một số khách hàng, ảnh hưởng đến thành quả thương mại sản phẩm đã tạo dựng lâu nay.
Tương tự, ông Võ Tấn Sanh, giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào, huyện Thăng Bình cho hay, dù đã đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nếp Hương Lân Trường Giang và dầu mè đen nguyên chất Bình Đào gần 3 năm nay nhưng vẫn chưa được công nhận, khiến sản phẩm không thể nâng lên 4 sao. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển và vươn ra thị trường của sản phẩm.
Cần sớm gỡ vướng
Năm 2023, Quảng Nam đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển, nâng cấp 333 sản phẩm đã được công nhận, trong đó ít nhất 70% sản phẩm 3 sao trở lên và khoảng 10 – 15 sản phẩm 4 sao, nhưng qua kiểm tra thực tế, đánh giá lại không đạt.
Theo ông Võ Hưng, Phó Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam), qua ghi nhận thực tế ở các chủ thể và so sánh với Bộ tiêu chí đánh giá trước đây, phần lớn những khó khăn, vướng mắc nằm ở quy mô sản xuất và điều kiện về chứng nhận sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, về quy mô sản xuất, các chủ thể phải có năng lực, quy mô sản xuất trung bình trở lên. Trong khi bộ tiêu chí chưa quy định quy mô thế nào là nhỏ, trung bình hoặc lớn.
Về điều kiện chứng nhận sở hữu trí tuệ quy định, sản phẩm 4 sao phải có giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ, trong khi thủ tục để được cấp rất lâu.
Ông Trần Văn Noa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh đã họp và sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT tháo gỡ những vướng mắc này. Đồng thời mong muốn các chủ thể tiếp tục rà soát các quy định của bộ tiêu chí để có định hướng đầu tư, nâng cấp kịp thời.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 395 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 334 sản phẩm hạng 3 sao và 61 sản phẩm hạng 4 sao. Nhiều sản phẩm đi vào chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và xuất khẩu, góp phần tăng thương hiệu sản phẩm và phát triển kinh tế nông thôn.