Vấn đề trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề “Lời khuyên trước khi kết thúc đăng ký nguyện vọng”, chiều 28.7.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thời gian còn lại để thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển không nhiều nhưng vẫn còn số lượng lớn thí sinh chưa hoàn tất thao tác này. Với các trường hợp này, theo tiến sĩ Hải, thí sinh nên rà lại lần cuối cùng danh mục các nguyện vọng. Thí sinh không nên đợi đến ngày cuối cùng mà chậm nhất ngày 29.7 cần thực hiện việc đăng ký nguyện vọng lên hệ thống. Ngày cuối cùng chỉ là ngày dự trữ, nếu có sự cố nào mới sử dụng để thực hiện điều chỉnh.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng chia sẻ trong thời điểm chỉ còn 2 ngày trước khi kết thúc đăng ký nguyện vọng, thí sinh không nên chủ quan với bất kỳ thao tác nào dù nhỏ nhất. “Một việc hết sức quan trọng thí sinh cần làm sau khi đăng ký là thoát ra khỏi phần mềm và đăng nhập một lần nữa để kiểm tra lại các thông tin và chụp màn hình lưu lại. Đây là thao tác dù rất nhỏ nhưng sẽ giúp bản thân thí sinh thực sự yên tâm”, thạc sĩ Trị nói.
Nhưng, cũng theo thạc sĩ Trị, ngay sau khi đăng ký nguyện vọng, việc đóng lệ phí xét tuyển là thao tác quan trọng. “Dù đăng ký 100 nguyện vọng nhưng không thanh toán lệ phí xét tuyển thì cũng không được công nhận nguyện vọng nào hết. Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, thí sinh bắt đầu thanh toán lệ phí xét tuyển từ ngày 31.7 đến ngày 6.8. Tuy nhiên, lịch thanh toán lệ phí trực tuyến này gồm 6 đợt tương ứng với thí sinh theo từng tỉnh thành cụ thể”, thạc sĩ Trị nhấn mạnh.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy thí sinh có tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp THPT đạt từ 24 điểm trở lên giảm hơn so với năm ngoái. Nếu năm ngoái số thí sinh này chiếm khoảng 25% thì năm nay chỉ còn khoảng 18%. Do đó, thí sinh có tổng điểm đạt từ 24 trở lên có cơ hội rất lớn. Lý do một phần bởi số thí sinh đạt được số điểm này giảm, một phần do tác động của cách tính điểm ưu tiên mới năm nay. “Không chỉ trúng tuyển, thí sinh có điểm thi lớn hơn 3 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển vào từng ngành của trường còn có cơ hội nhận được học bổng giá trị. Năm nay, thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên có thể được xét học bổng bán phần hoặc toàn phần”, tiến sĩ Hải thông tin thêm.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, dự đoán: “Điểm chuẩn các ngành của trường có thể cao hơn 1-2 điểm so với mức sàn đã công bố. Điểm chuẩn của trường có thể 17-18 nhưng để để được chính sách học bổng người học cần cần đạt số điểm cao hơn. Chẳng hạn, thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 25 điểm trở lên mới được học bổng toàn phần tương đương học phí toàn khóa học”.
Liên quan đến chính sách học bổng, ông Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường cũng có khoảng 2.000 suất học bổng cho sinh viên trong quá trình nhập học sớm. Ngoài ra trường còn có học bổng riêng cho sinh viên khối ngành kỹ thuật, học bổng tài năng, học bổng cho sinh viên đạt các giải thưởng cao, học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…
Cũng trong chương trình, từ thông tin hơn 72.000 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng, ông Nhơn có những lưu ý thêm. Theo đó, nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm và quyết định chọn nguyện vọng này để nhập học là bình thường. Nhưng với các trường hợp khác nhưng thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì có thể cân nhắc thêm. Bởi thực tế từ năm 2021, có 61 thí sinh dù đạt 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn trượt ĐH.
“Đến nay, có thông tin thí sinh đăng ký hơn 100 nguyện vọng, điều này theo tôi không cần thiết. Tuy nhiên, các em cũng đừng quá tự tin và quá chủ quan khi chỉ đăng ký 1 nguyện vọng nếu đó không phải nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Thí sinh nên cho mình những phương án dự phòng cần thiết”, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM lưu ý thêm.