“Mình đã có 2 con gái đang học cấp 3. Bây giờ, mình đi canh trứng để tìm thêm đứa con trai. Vì chồng là con trai một, nên cần có cháu trai cho gia đình chồng”. Đó là chia sẻ của chị Trần Thị K. (TP. Phan Thiết). Không riêng gì chị K. và còn nhiều trường hợp khác cũng mong muốn sinh con trai và sử dụng nhiều cách để lựa chọn giới tính khi sinh. Điều này dẫn đến những hệ lụy trong xã hội.
Bé trai nhiều hơn bé gái
Bởi sự ưa thích con trai để thờ cúng, nối dõi, chăm sóc cha mẹ già, để có người làm rẫy, đi biển… Chính vì lẽ đó, không ít người dân lựa chọn giới tính thai nhi bằng cách thực hiện chế độ ăn uống, xác định ngày phóng noãn; trong lúc có thai sàng lọc tinh trùng để chọn ra tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y; sau khi có thai thì sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối để xác định giới tính. Đặc biệt, nạo phá thai để loại bỏ thai nhi nếu thai nhi có giới tính không như mong muốn. Đa số bà mẹ hiện nay đều biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Mặt khác, chính sách dân số Việt Nam khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con, không khuyến khích sinh con thứ 3. Điều này ít nhiều tạo áp lực đến các cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai. Nhiều cặp vợ chồng hiện nay chỉ sinh 1 con, trì hoãn việc sinh thêm đứa con thứ 2 cũng là nguyên nhân thúc đẩy có sự lựa chọn giới tính thai nhi.
Từ những nguyên nhân ấy dẫn đến mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Bình Thuận cũng không ngoại lệ. Hiện tỉnh là 1 trong 18 tỉnh, thành phố được xếp vào nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh 109 -112 trẻ trai/100 trẻ gái theo Quyết định 3671 của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh để xây dựng đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, nếu năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của Bình Thuận là 112 bé trai/100 bé gái thì năm 2021 là 111,8 bé trai/100 bé gái và 111,5 bé trai/100 bé gái vào năm 2022. Điều này cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở Bình Thuận đang có chiều hướng giảm dần, nhưng vẫn rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong khi, mức cân bằng tự nhiên là tỷ số giới tính khi sinh bình thường dao động trong khoảng 103-106 bé trai/100 bé gái.
Thay đổi suy nghĩ, hành vi
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai. Nếu theo xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, đến năm 2039, chênh lệch số lượng nam và nữ ở Việt Nam sẽ từ 1,5 triệu đàn ông không có phụ nữ để kết hôn. Điều này tạo sức ép lên phụ nữ phải kết hôn sớm, còn nam giới sẽ rất khó khăn trong việc kết hôn. Thêm vào đó, là làm thay đổi cơ cấu dân số theo giới tính kéo theo sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề, việc làm, sản xuất, tiêu dùng trong xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, đó là đẩy mạnh truyền thông giáo dục về bình đẳng giới; chuyển đổi thông điệp truyền thông phù hợp từ chú trọng việc giảm sinh của giai đoạn trước sang truyền tải về những hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, các quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi… Tôn vinh các gia đình sinh con 1 bề là gái thực hiện đúng chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con thành đạt, hiếu thảo. Cùng với đó, phát triển đồng bộ các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, hỗ trợ cho những người không có nơi nương tựa khi họ về già.
Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Y tế Bình Thuận tổ chức tập huấn cho các cộng tác viên dân số trong tỉnh những thông tin mới về nguyên nhân, thực trạng và giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đó, cộng tác viên có đủ kiến thức cơ bản, các kỹ năng cần thiết để truyền thông tại địa bàn được phân công phụ trách.