Tạm ổn định, nhưng…
Ghi nhận tình hình đăng kiểm cuối năm 2023, cảnh xếp hàng chờ đợi xuyên đêm tại Đồng Nai đã được giải quyết trước kỳ nghỉ Tết dương lịch. Trên ứng dụng trung tâm đăng kiểm (TTĐK), việc đăng ký lịch kiểm định tại Đồng Nai cũng đã hạ nhiệt, các chủ xe đã có thể đặt lịch hẹn vào các ngày tiếp theo sau kỳ nghỉ Tết dương lịch.
Khoảng 2 tuần trước đó, tài xế nếu muốn kiểm định tại các TTĐK ở Đồng Nai phải xếp hàng chờ đợi xuyên đêm. Một số TTĐK ở Hà Nội, TP.HCM cũng báo động tình trạng “đã đầy”, tuy nhiên trên bình diện chung, tình hình ùn tắc cũng chỉ xảy ra cục bộ, đa phần các TTĐK vẫn hoạt động ổn định dưới công suất.
Đối với lịch kiểm định sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, ngoài một số TTĐK tại TP.HCM như 50-02S (Q.11), 50-04V (Cát Lái, TP.Thủ Đức) tiếp tục đầy, hầu hết TTĐK đều đang còn trống nhiều chỗ và có thể đặt lịch hẹn thông qua ứng dụng.
Tuy nhiên, sự “yên ổn” này kéo dài được bao lâu thì chưa biết vì có đến 31 địa phương được đặt trong tình trạng có nguy cơ ùn tắc đăng kiểm vào đầu năm 2024. Bộ GTVT cũng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai về triển khai các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định dịp cuối năm 2023 và năm 2024 tại tỉnh này. Bộ GTVT nhận định: Hiện nay Đồng Nai chỉ có 4/6 TTĐK đang hoạt động, công suất trung bình đạt yêu cầu tối thiểu khoảng 14.400 phương tiện/tháng. Như vậy, các TTĐK tại Đồng Nai khó có khả năng đáp ứng được số lượng phương tiện đến kiểm định ở các tháng 4, 5, 6, 7, 10, 11, 12 của năm 2024. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở GTVT và các đơn vị liên quan chủ động liên hệ với đơn vị khác để trưng dụng nguồn nhân lực, khôi phục hoạt động thêm dây chuyền đăng kiểm trong năm 2024.
Ngoài ra theo Bộ GTVT, một số đăng kiểm viên (ĐKV) đã bị khởi tố nên trong thời gian tới Đồng Nai có nguy cơ thiếu hụt một lượng lớn ĐKV xe cơ giới. Vì vậy, Bộ đề nghị Đồng Nai chủ động phối hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, có các giải pháp phù hợp để phòng tránh tình trạng ùn tắc kiểm định. “UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các đơn vị vận động cán bộ, công nhân viên tăng ca, làm thêm giờ kể cả ngày nghỉ, lễ; đồng thời yêu cầu các TTĐK có trách nhiệm đảm bảo tốt nhất về điều kiện làm việc cũng như các chế độ đối với người lao động”, theo công văn của Bộ GTVT.
Đối với vấn đề này, một lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết theo thông lệ, dịp cuối năm, nhu cầu kiểm định thường tăng cao, từ tháng 12.2023 còn có thêm lượng lớn xe được tự động giãn chu kỳ kiểm định 6 tháng (từ tháng 6.2023) cũng đăng kiểm trở lại. Do đó, những ngày qua có xảy ra tình trạng quá tải tại một số TTĐK. Sở đã đề nghị các TTĐK tăng giờ làm, hoạt động cả thứ bảy và chủ nhật để tăng lượng xe đăng kiểm. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đã khuyến khích người dân trước khi đi kiểm định cần đăng ký trước trên các ứng dụng, đồng thời kiểm tra xe trước để tránh việc phải đến đăng kiểm nhiều lần do không đạt”, lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai chia sẻ.
Cần giải pháp căn cơ
Câu chuyện ùn tắc đăng kiểm cục bộ tại Đồng Nai làm dấy lên lo ngại về tình trạng tái diễn cảnh xếp hàng tại các TTĐK như năm trước. Theo số liệu thống kê, dự báo của Cục Đăng kiểm VN, quý 1/2024 một số địa phương có nguy cơ tái diễn ùn tắc phương tiện đến kiểm định. Để tránh phải chờ đợi lâu, Bộ GTVT cũng vừa có công văn gửi các tỉnh thành để chuẩn bị các giải pháp hạn chế ùn tắc đăng kiểm, trong đó khuyến cáo người dân tranh thủ về quê, đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng ở các địa phương khác, có thể đưa xe vào bất kỳ TTĐK nào trên đường để kiểm định.
Bên cạnh đó, các địa phương cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan hoạt động kiểm định, nhất là việc lợi dụng ùn tắc phương tiện tại TTĐK để thực hiện các hành vi trục lợi như nhận đăng kiểm hộ, giúp làm nhanh kiểm định, mua bán tem, giấy chứng nhận kiểm định…
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ô tô vận tải VN, giải pháp căn cơ hiện nay là phải điều chỉnh phí đăng kiểm và tăng thu nhập cho các chuyên viên, ĐKV. “Thu nhập của ĐKV hiện nay quá thấp, nên khó ngăn chặn triệt để được hành vi tiêu cực, hối lộ như thời gian qua. Cần phải tăng thêm thu nhập tương xứng với công sức của ĐKV bỏ ra, như vậy mới thu hút được nhân lực có tâm, có tài”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải VN, nhận định.
Lãnh đạo một TTĐK tại Hà Nội cũng đồng tình: “Để hạn chế việc các chủ phương tiện phải chờ đợi lâu, cán bộ, nhân viên TTĐK phải tăng ca, tăng thời gian làm việc, nếu lượng xe chờ lớn hơn, trung tâm sẽ viết phiếu hẹn để sáng hôm sau người dân quay lại kiểm định. Tuy nhiên, dù đã cố gắng động viên đội ngũ ĐKV làm việc tăng ca, tăng giờ nhưng hiện nay tuyển dụng, điều động nhân sự rất khó khăn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nhân sự và từ đó tình trạng ùn tắc khó có thể hạ nhiệt trong 1 – 2 tháng tới”.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN đã đề nghị các TTĐK chủ động liên hệ với các địa phương khác có năng lực dư thừa để trưng dụng, bổ sung tạm thời lực lượng ĐKV cho các TTĐK trên địa bàn bị thiếu hụt nhằm khôi phục hoạt động thêm dây chuyền kiểm định. Cục cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, phân hóa các hành vi vi phạm pháp luật để tạo điều kiện cho các ĐKV mắc sai phạm nhẹ có cơ hội được sửa chữa lỗi lầm, tiếp tục phục vụ lĩnh vực đăng kiểm… Đối với việc điều chỉnh phí đăng kiểm, tăng thu nhập cho ĐKV, Bộ GTVT cũng đang có các tờ trình để các bộ, ngành liên quan thông qua, ban hành trong thời gian tới.
Theo Cục Đăng kiểm VN, 31 địa phương có nguy cơ ùn tắc đăng kiểm dịp cuối năm 2023 và quý 1/2024 gồm: Bắc Kạn, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang.