Đăng kiểm bớt “nóng”
Những ngày đầu tháng 11, tình hình đăng kiểm tại TP.HCM đã bớt “nóng” so với thời điểm nửa tháng trước. Tại trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 50-02S, Q.11 (TP.HCM), lượng xe đến thực hiện kiểm định vắng hơn trước nhiều, khách chỉ cần đợi vài tiếng là có thể hoàn tất các thủ tục để mang xe về. Tương tự, tại TTĐK 50-04V, TP.Thủ Đức (TP.HCM), tình hình ùn tắc trước đây đã không còn dù khu vực này gần như dành riêng cho các loại xe container, xe quá khổ…
Ghi nhận trong những ngày gần đây, hầu hết xe đến kiểm định đều xếp hàng bên trong khuôn viên của TTĐK chứ không tràn ra các tuyến đường bên ngoài như trước.
Tại Đồng Nai, hiện có 5/6 TTĐK với 12/14 dây chuyền kiểm định đang hoạt động; công suất trung bình đạt 17.200 phương tiện/tháng. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), tại Đồng Nai, trong tháng 11.2023, sẽ có gần 11.000 xe tới hạn đăng kiểm, qua tháng 12.2023, lượng xe sẽ tăng đột biến lên hơn 15.500 và tháng 1.2024 là 12.700. Con số này vẫn nằm trong khả năng kiểm định của 5 đơn vị đăng kiểm trên toàn tỉnh.
Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm cho rằng tình trạng ùn tắc phương tiện có nguy cơ tái diễn tại một số tỉnh, thành. Đơn cử TP.HCM, công suất đăng kiểm trung bình đạt 51.800 xe/tháng nhưng đến tháng 12.2023 có hơn 60.100 xe tới hạn. Số liệu này khiến nhiều người lo lắng một lượng lớn xe từ TP.HCM “tràn” sang các địa phương lân cận (trong đó có Đồng Nai), có thể khiến tỉnh này bị quá tải. Tuy nhiên, các chuyên gia tính toán những số liệu này dù có chênh lệch, nhưng nếu như tình hình nhân sự không có biến động thì sẽ không gây ùn tắc nghiêm trọng như thời điểm cùng kỳ năm ngoái..
Hiện nay, Cục Đăng kiểm đang khuyến khích các chủ phương tiện thực hiện đặt lịch hẹn thông qua ứng dụng TTDK để chủ động thời gian và lựa chọn vị trí phù hợp để tránh phải xếp hàng chờ lâu. Ban quản trị ứng dụng TTDK thông tin ngoài hỗ trợ đặt lịch hẹn kiểm định, ứng dụng còn bổ sung thêm nhiều tính năng khác để hỗ trợ người dân, chủ xe và các doanh nghiệp như tra cứu phạt nguội một cách dễ dàng, cung cấp các thông tin liên quan đến cứu hộ phương tiện, phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô, thậm chí có đường link liên kết với công ty bảo hiểm để giúp chủ xe dễ dàng gia hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự trực tuyến.
Mới đây, ứng dụng TTDK tiếp tục bổ sung các tính năng hỗ trợ tư vấn người dùng về bảo dưỡng xe trước khi đăng kiểm (bao gồm các hạng mục cần bảo dưỡng, tiêu chuẩn đăng kiểm, garage gần trung tâm đăng kiểm); tư vấn bảo hiểm (tư vấn về các gói bảo hiểm, mức phí và điều kiện bồi thường); tư vấn hoán cải xe (tư vấn về quy trình và thủ tục hoán cải xe).
Chủ xe muốn được tư vấn chỉ cần chọn tính năng “Yêu cầu tư vấn” ngoài trang chủ, lựa chọn hạng mục tư vấn, điền thông tin phương tiện, chủ xe, nhu cầu sẽ có người liên hệ để giải đáp các thắc mắc cho người dùng một cách nhanh chóng, thuận lợi. Theo thống kê, đến nay, đã có hơn 640.000 người đăng ký tài khoản trên ứng dụng TTDK với hơn 666.000 lịch hẹn kiểm định trực tuyến thông qua app này.
Vẫn có “cò” lừa đảo
Mặc dù tình hình đăng kiểm đã bớt “nóng” và quy trình đăng ký ngày càng tiện ích, nhưng trên bình diện cả nước, nhiều chủ xe vẫn chưa nắm được các quy định, từ đó xuất hiện một số trường hợp lợi dụng để lừa gạt.
Đơn cử, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện tình trạng các đối tượng giả làm cán bộ TTĐK gọi điện lừa chủ xe gia hạn đăng kiểm hay mua bảo hiểm dân sự. Ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc TTĐK xe cơ giới 36-01S (TP.Thanh Hóa), kể thời gian gần đây xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh là cán bộ TTĐK gọi điện đến các chủ xe để thông báo gia hạn thời gian kiểm định xe cơ giới và bán bảo hiểm nhằm lừa đảo. Các đối tượng trên thông tin cụ thể số xe, thời hạn đăng kiểm cũng như thời hạn mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ phương tiện.
“Ngay bản thân tôi và nhiều cán bộ thuộc trung tâm cũng đã bị các đối tượng gọi điện đến nói xe chuẩn bị hết hạn kiểm định và phải gia hạn đăng kiểm. Nếu đồng ý thì đối tượng sẽ gửi phiếu xác nhận gia hạn về qua hệ thống chuyển phát nhanh sau đó thông qua shipper chuyển 100.000 đồng cho họ”, ông Khoát cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc TTĐK xe cơ giới Miền Trung 36-03D (Thanh Hóa), cũng bị gạ gẫm: Tôi cũng bị các đối tượng gọi điện đến giới thiệu là cán bộ TTĐK Miền Trung nói phải gia hạn đăng kiểm xe ô tô vì sắp đến thời gian kiểm định, mời mua bảo hiểm dân sự. Thấy tôi hỏi vặn lại mấy câu thì đối tượng tắt máy và không nghe. Không riêng gì cán bộ ngay tại trung tâm bị gạ mà nhiều chủ xe cũng điện đến hỏi việc này.
Cục Đăng kiểm cho biết đã nắm được tình trạng này. Hiện có một số đối tượng giả mạo nhân viên các TTĐK để gọi điện đến các chủ xe thông báo ô tô chuẩn bị hết hạn kiểm định và phải gia hạn đăng kiểm. Nếu các chủ xe nhẹ dạ đồng ý, các đối tượng này sẽ gửi phiếu xác nhận gia hạn về qua hệ thống chuyển phát nhanh sau đó thông qua shipper chuyển lại 100.000 đồng cho đối tượng. Một số trường hợp khác, các đối tượng chào mời dịch vụ trên các hội nhóm liên quan ô tô, dụ dỗ làm giúp giấy gia hạn đăng kiểm với mức phí 100.000 – 200.000 đồng.
Theo Cục Đăng kiểm, nhiều người do chưa hiểu rõ các quy định trong Thông tư số 08/2023 của Bộ GTVT về gia hạn kiểm định cho các xe ô tô con đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải, nhiều chủ phương tiện đã tin tưởng và làm theo hướng dẫn của đối tượng giả mạo dẫn đến mất tiền oan.
Thực tế hiện nay, Cục Đăng kiểm đã triển khai ứng dụng TTDK và tải lên toàn bộ giấy xác nhận thời hạn kiểm định cho các xe cơ giới có hạn kiểm định từ ngày 3.6.2023 – 30.6.2024 (thuộc diện được gia hạn kiểm định). Để thực hiện gia hạn đăng kiểm tự động trên ứng dụng TTDK, người dùng vào mục “Gia hạn đăng kiểm” để tra cứu xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, tem kiểm định. Sau khi điền đầy đủ các thông tin như: biển đăng ký, số seri Giấy chứng nhận kiểm định, mã xác nhận, khách hàng tiếp tục bấm “Tra cứu” sẽ có kết quả giấy chứng nhận được cấp thuộc diện gia hạn sẽ hiện kết quả trên màn hình và in ra giấy để sử dụng khi đi trên đường mà không cần đến TTĐK hay phải mất khoản phí nào.
Ứng dụng TTDK vẫn bị lỗi
Theo phản ánh của nhiều chủ xe và tài xế, ứng dụng đặt lịch hẹn kiểm định trực tuyến TTDK hiện vẫn xuất hiện khá nhiều lỗi phổ biến như: lỗi lịch hẹn của người dùng quá giới hạn; lịch hẹn chưa được xác nhận, không được đặt thêm; đặt lịch hẹn sớm hơn 10 ngày so với ngày hết hạn…
Một số lỗi khác cũng được cảnh báo để ngăn các hành vi bất chính, “cò” đặt lịch kiểm định, bao gồm: tài khoản đã bị khóa chức năng đặt lịch; biển số xe đã bị khóa do đặt lịch quá nhiều. Thông thường trước khi cảnh báo lỗi này, đội ngũ quản trị đã thực hiện rà soát, tìm kiếm, xác thực thông tin, khi phát hiện có dấu hiệu của “cò” đã khóa tính năng để ngăn chặn.
Ngoài ra, ứng dụng trên còn các lỗi như: thiếu thông tin trạm, lịch hẹn đã đầy, đặt lịch thất bại, số lượng lịch hẹn của biển số xe quá giới hạn; lịch hẹn đã hủy trước đó, sai thông tin ngày hẹn, ngày hẹn không hợp lệ, biển số xe không hợp lệ.
Đội ngũ quản trị ứng dụng TTDK cho biết khi gặp các tình huống này, chủ xe có thể liên hệ qua kênh Zalo hoặc Facebook của ứng dụng TTDK để phản ánh và được hỗ trợ khắc phục.