Ngoài kiến thức từ sách vở, các bạn đoàn viên, thanh niên tại Phú Yên đã có cơ hội xem những hình ảnh, tư liệu trực quan về những chuyến tàu không số làm nên Đường Hồ Chí Minh trên biển và gặp những nhân chứng sống đầy ý nghĩa.
Ngày 19-11, tại khu di tích lịch sử quốc gia Tàu không số Vũng Rô (thị xã Đông Hòa, Phú Yên), Ban thường vụ Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức chương trình hành quân về nguồn với chủ đề “Vũng Rô – Hào khí tuổi trẻ” nhân kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu không số (28-11-1964 – 28-11-2024), những con tàu đã tạo nên Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Nhiệm vụ của thế hệ trẻ: Đưa đất nước vươn lên mạnh giàu
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, các cựu quân nhân Tàu không số, chiến sĩ đại đội K60, đoàn dân công Bến Vũng Rô… và hơn 300 đoàn viên thanh niên trong tỉnh.
Sau nghi lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, các bạn trẻ và đại biểu tham dự được xem phim tài liệu “Huyền thoại Vũng Rô”.
Đặc biệt là phần giao lưu rất cảm xúc giữa Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tá Hồ Đắc Thạnh – nguyên thuyền trưởng Tàu không số C41, nguyên phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; thiếu tá Ngô Văn Định – trưởng Ban liên lạc Bến Tàu không số Vũng Rô, nguyên chiến sĩ đại đội K60; trung tá Lê Thành Khang – chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự thị xã Đông Hòa và bạn Trần Trung Kiên, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa.
Trong phần giao lưu, trung tá Hồ Đắc Thạnh chia sẻ rằng kỷ niệm mà ông nhớ mãi là chuyến tàu thứ hai vào Vũng Rô. Tháng 12-1964, ngoài hàng tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, tàu còn mang theo 3 tấn gạo tám thơm dành tặng lực lượng ở bến Vũng Rô, những người quả cảm không còn cái ăn, phải ăn trái sung bám trụ chiến đấu, chờ nhận vũ khí do tàu chở vào.
“Dù Phú Yên là vựa lúa nhưng việc tiếp tế hay dự trữ lương thực tại vùng núi rừng thời chiến tranh vô cùng khó khăn” – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh xúc động khi nhắc lại.
Ông Thạnh nhắn nhủ thế hệ trẻ: “Các cha, các chú đổ bao nhiêu mồ hôi và máu để chiến đấu giành và bảo vệ độc lập. Nhiệm vụ ấy đã xong. Bây giờ là thời đại của các cháu, những người trẻ phải cống hiến sức lực, khối óc để đưa Việt Nam phát triển mạnh giàu”.
Chăm chú lắng nghe những câu chuyện của thế hệ đi trước, bạn Trần Trung Kiên, học sinh đã vào chung kết toàn quốc cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2024, chia sẻ: “Chúng mình đã biết về những chiến công, sự hy sinh của các thế hệ cha ông để làm nên Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Chúng mình sẽ không bao giờ quên và mong rằng các trường học sẽ có thêm nhiều hoạt động giờ dạy lịch sử để truyền cảm hứng, tinh thần yêu quê hương cho học sinh”.
“Chơi game” hiểu về Đường Hồ Chí Minh trên biển
Nhằm giúp đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về sự kiện lịch sử, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Bến Vũng Rô tiếp nhận những chuyến hàng của Tàu không số được tổ chức ngay tại di tích lịch sử quốc gia Bến Tàu không số Vũng Rô.
Với hình thức thi trắc nghiệm, 15 đội thi (3 người/đội) tham gia tranh tài, trả lời những câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến sự kiện lịch sử này đã tạo hứng thú cho các bạn trẻ.
Bạn Trần Thị Ngọc Trinh, sinh viên năm 3 Trường cao đẳng Công Thương miền Trung, cho hay rất vui khi tham gia trò chơi này vì “các sự kiện được xâu chuỗi rất hay”.
“Mình biết được nhiều thông tin rất hay như các chiến sĩ ngụy trang tàu chở vũ khí dưới dạng tàu cá hay gặp nguy hiểm và tránh bị địch bắt thì còn phải đánh chìm tàu và hàng hóa. Mình nghĩ rằng thay vì đọc một cuốn sách sử dài ngoằng, các bạn trẻ sẽ thích những gì tai nghe mắt thấy hơn. Việc tham gia các trò chơi như thế này giúp mình tự xâu chuỗi các sự kiện, cũng như có thêm nhiều kiến thức mới hơn”, Trinh nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dang-huong-chien-si-tau-khong-so-vung-ro-tim-hieu-ve-duong-ho-chi-minh-tren-bien-20241119125704673.htm