(TN&MT) – Theo cách gọi thân thương, huyện đảo Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta ở “phía chân trời” phía Đông, thuộc quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa. Nhóm (quần) đảo Trường Sa gồm khoảng 130 đảo, đá, cồn san hô, bãi cạn, bãi ngầm, bãi cát vụn san hô và rạn san hô vòng (Alton) hở và kín điển hình, phân bố rải rác trong một vùng biển rộng chừng 163.000km2.
Nhóm đảo Trường Sa có tổng diện tích phần đảo nổi tự nhiên dưới 10km2; được các nhà nghiên cứu chia làm 8 cụm, ngăn cách bởi các rãnh sâu: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên. Như nói trên, nhóm đảo Trường Sa được cấu thành từ các rạn san hô phát triển kế thừa trên nền các núi lửa cổ có từ 240 triệu năm trước. Cho nên, tuổi địa chất của nhóm đảo này “vừa già, vừa trẻ”: tầng đá núi lửa cổ và rạn san hô cổ hơn nằm sâu nghìn mét, nhưng tầng rạn san hô trẻ phía trên (sâu nhất là 50m) hiện vẫn đang hình thành và thay đổi hằng ngày. Các bãi cạn vẫn xuất hiện, có bãi lại biến mất liên quan tới các chuyển động địa động lực “xáo trộn” ở vùng biển này. Nửa đầu thế kỷ 19, các nhà khoa học phương Tây đã ghi chép rằng, các bãi cạn thuộc nền rạn san hô ở Trường Sa cứ lớn dần và cao hơn theo thời gian. Vài chục năm trước, bãi Thuyền Chài mới chỉ nổi lên mấp mé mặt nước, nhưng nay đã dài khoảng 32km, rộng nhất chừng 5 – 6km. Gần đây, bãi Én Đất đã bắt đầu nổi lên với diện tích nhỏ và đang phát triển.
Nước biển Trường Sa trong xanh, nhiều nơi nhìn thấu đáy. Quy mô, tính đa dạng về cấu trúc, điều kiện sinh thái đặc sắc và hấp dẫn của vùng biển Trường Sa như vậy có thể ví ngang với Công viên biển quốc tế Dải san hô lớn (Great Barrier Reef) nổi tiếng thế giới của Australia (rộng khoảng 183.000km2).
Thiên nhiên nơi “ốc đảo san hô” này rất khắc nghiệt: thừa nắng gió và bão dông; thiếu nước ngọt và cây xanh do khả năng giữ nước của rạn san hô kém; lớp đất mỏng, nghèo dinh dưỡng và chất hữu cơ. Cho nên, người dân sống trên các đảo của huyện đảo này phải chủ động tìm cách trồng rau/cây xanh trong các thùng, vườn nhân tạo có bổ sung đất và phân bón.
Thực vật ở đây nổi tiếng với cây bàng vuông, động vật hai mảnh vỏ nổi tiếng với loài trai/ốc tai tượng khổng lồ. Trên các đảo của nhóm đảo Trường Sa đã phát hiện được 117 loài, thuộc 42 họ, chiếm ưu thế là các loài và cá thể cây thân thảo. Thảo mộc ở Trường Sa đều tìm thấy ở đất liền Việt Nam, nhất là miền Trung Việt Nam, chủ yếu di nhập từ đất liền ra trồng bằng nhiều cách từ xa xưa.
Chim, chủ yếu là hải âu sống thành đàn cùng với 3 họ chim sâu nghệ. Chính các loài chim này đã thải ra một lượng phân dày phủ kín nhiều khu vực trên các đảo trước đây, được dùng làm phân bón (phốt-phát phân chim). Vùng biển Trường Sa là nơi cư trú của khoảng 2.927 loài sinh vật (tính từ năm 1980), bao gồm khoảng 382 loài thuộc 84 giống san hô tạo rạn, 358 loài động vật phù du, 462 loài thực vật phù du, 524 loài cá, 776 loài động vật đáy, 282 loài rong tảo và cỏ biển, 20 loài rùa biển và thú biển, 35 loài chim biển. Đặc biệt, năm 2014, tổng hợp các nghiên cứu quốc tế và Việt Nam, các nhà khoa học trong khu vực đã xác nhận vùng biển Trường Sa là trung tâm phần mở rộng vào Biển Đông của “Tam giác san hô quốc tế” với tính đa dạng loài san hô cao (tổng số 517 loài san hô) mà đỉnh của tam giác san hô này ở phía bờ biển Việt Nam, là khu bờ biển tỉnh Khánh Hòa – Bắc Ninh Thuận.
Bao quanh vùng biển san hô Trường Sa là những ngư trường đánh bắt cá trù phú, có chất lượng cao và mang tính truyền thống của ngư dân Việt Nam. Đây cũng là trung tâm phân phối và phát tán nguồn giống và dinh dưỡng cho phần còn lại của Biển Đông và lân cận. Lòng đất dưới đáy biển ở đây còn tiềm chứa băng cháy, dầu mỏ và khí đốt với trữ lượng dự tính khá lớn. Các bãi biển rộng ven các đảo ở vùng biển Trường Sa cấu tạo bằng vỏ và mảnh vụn san hô nên nhẹ và bị biến hình theo mùa gió. Nước biển Trường Sa trong xanh, nhiều nơi nhìn thấu đáy. Quy mô, tính đa dạng về cấu trúc, điều kiện sinh thái đặc sắc và hấp dẫn của vùng biển Trường Sa như vậy có thể ví ngang với Công viên biển quốc tế Dải san hô lớn (Great Barrier Reef) nổi tiếng thế giới của Australia (rộng khoảng 183.000km2).
Bên cạnh các lợi thế vượt trội nói trên, huyện đảo Trường Sa còn án ngữ tuyến đường hàng hải quốc tế lớn nhất đi qua Biển Đông và nhiều tuyến vận tải biển trong khu vực. Cho nên, huyện đảo Trường Sa chiếm một vị trí địa chiến lược trọng yếu, là “nút giao” chính trong tính toán chiến lược của các nước lớn trong thế kỷ 21. Hiện nay, huyện đảo Trường Sa đang chịu sức ép và tác động hiện hữu của thiên tai (biến đổi khí hậu, giông bão,…) và nhân tai liên quan tới hành vi ứng xử của con người…
Bảo vệ chủ quyền biển đảo phải gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo – “hạt nhân” của tăng trưởng xanh; ngược lại, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển cũng chính là tạo nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh và bền vững, làm tiền đề cho bảo đảm vững chắc “Chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.
Đối mặt với những khó khăn trước mắt và những thách thức lâu dài như vậy, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức gìn giữ màu xanh của biển và màu xanh hòa bình cho đất nước. Họ cùng nhau chăm chút từng nhành cây kẽ lá, không chỉ để bảo đảm lượng rau xanh tự túc, mà còn bảo vệ môi trường biển, đảo. Lớp phủ cây xanh trên đảo luôn được chú trọng trồng và ngày càng xanh tươi. Cơ sở hạ tầng giao thông “đa dụng” trên đảo và giữa các đảo được củng cố, nâng cấp và bổ sung khiến cho huyện đảo càng thêm khang trang. Nơi ăn, chốn ở, môi trường văn hóa được cải thiện, tiếng chuông chùa vang xa hòa tiếng trẻ thơ khiến cho huyện đảo thật thanh bình, linh thiêng hồn sông núi giữa trái tim biển cả bao la. Trường Sa tuy xa mà gần là vậy, nhất là trong thời đại chuyển đổi số, có gì trong đất liền mà nhân dân và chiến sĩ ngoài đảo xa này không biết và ngược lại.
Từ năm 2010, Khu bảo tồn biển (KBTB) đảo Nam Yết được Chính phủ quy hoạch để bảo vệ các mẫu chuẩn sinh thái và các loài sinh vật quý hiếm đặc thù Trường Sa; Bảo tồn san hô và các loài sinh vật sống kèm ở KBTB đảo Nam Yết nói riêng và vùng biển huyện đảo nói chung nhằm tạo ra hiệu ứng phục hồi và phát tán nguồn lợi hải sản, bảo vệ “ngôi nhà chung”. Khu bảo tồn được ví như một “Công viên của Vương quốc thủy tề” dưới đáy biển Trường Sa. Cũng vì thế, không ở đâu khác, vấn đề môi trường, tài nguyên và chủ quyền biển đảo đã trở thành ba mặt của một vấn đề ở đây. Điều mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo luôn nhận thức được. Bảo vệ chủ quyền biển đảo phải gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo – “hạt nhân” của tăng trưởng xanh; ngược lại, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển cũng chính là tạo nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh và bền vững, làm tiền đề cho bảo đảm vững chắc “Chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.
Những ngày cuối năm này, cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và tỉnh Khánh Hòa đang hân hoan chào đón Xuân về trong niềm phấn khởi cùng nhau xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030 trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW. Trong tương lai không xa, một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước sẽ hình thành; đồng thời là khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dáng hình mới của huyện đảo Trường Sa trong dáng Xuân mới của “vườn hoa san hô” rực rỡ sắc màu dưới đáy biển sẽ tạo ra một thiên đường Trường Sa kỳ vĩ và thơ mộng.