Đổi rừng lấy… đường
Trao đổi với phóng viên, anh Lý Văn T., ở xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông cho biết: Khu vực từ Vằng Bó vào đến giáp xã Bằng Phúc của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn vốn dĩ là rừng tự nhiên và một phần là rừng sản xuất nhưng từ ngày khởi công, đường mở tới đâu máy cưa, máy xúc đào đất, phá rừng tới đó, khiến người dân cảm thấy xót xa. Song biết làm sao được, chúng tôi vui vì từ nay có đường mới để đi, buồn vì rừng bị chặt hạ nhiều quá.
Anh T. sau đó dẫn phóng viên đi thực địa, con đường vào tuyến càng lúc càng khó đi. Phóng viên thấy một bãi đổ thải khá lớn đang nằm chênh vênh bên một dòng suối, nguy cơ sạt lở khá cao. Nhiều người dân ở bản Chiêng, xã Đôn Phong cho hay: Khu bãi đổ thải này vốn dĩ là đất ruộng của một số hộ dân ở bản Vằng Bó. Không rõ họ thỏa thuận gì với nhau và đã đồng ý cho đổ đất thải từ việc khai tuyến chở về đây. Đến nay, bãi thải này đã phình to như quả đồi vậy. Mùa này đang là mùa khô, ít mưa thì chưa thấy gì. Nhưng đến tháng sau, vào mùa mưa, nguy cơ đất tràn xuống suối là điều khó tránh khỏi, lúc đó, chỉ sợ lấp đầy dòng suối.
Được biết, dự án được chia thành nhiều gói thầu, tuy nhiên các đơn vị thi công lại tự ý đổ đất, đá bên cạnh suối Nậm Cắt, nguy cơ ô nhiễm môi trường, thay đổi dòng chảy rất cao. Một công nhân, xin giấu tên cho biết: Đoạn tiếp giáp cầu Hủa Lò là của Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 thi công, tiếp đó là đoạn thầu của Công ty 568… Do đang khai tuyến nên đúng là có đất đá rơi xuống.
Phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn, ông này cho biết mình đi vắng và giao cho văn phòng trả lời. Sau đó, phóng viên được một người tên Loan cung cấp cho một số thông tin: Để thực hiện được dự án, đã phải chuyển đổi 70,9 ha đất rừng (trong đó có 31,33 ha đất rừng tự nhiên, 39,66 ha đất rừng trồng). Có 2 vị trí được BQL thu hồi làm bãi đổ thải, nhưng bà Loan cũng không chỉ rõ được vị trí 2 bãi thải này nằm ở xã nào, thôn nào… Sau đó bà này cáo bận, không trả lời cụ thể.
Xã lo, nhưng công trình của tỉnh
Trao đổi với phóng viên, anh Lý Tiến Vinh, Trưởng thôn Vằng Bó cho biết: Khi tiến hành làm tuyến đường này, người dân cũng không thấy có ai mời họp để đánh giá các tác động ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Khu đổ thải mà đã đắp đất cao lên đó là của gia đình anh Lý Tiến Thị. Trước đây, khu đất này vốn là đất ruộng. Để có điểm đổ, phía các nhà thầu đã đền bù cho gia đình anh Lý Tiến Thị hai năm canh tác. Cũng theo anh Vinh thì chưa bao giờ nhìn thấy giấy tờ, hay quyết định gì của cấp trên cho phép đổ đất tại đây cả, họ tự thỏa thuận với nhau, trưởng thôn Vằng Bó cho biết thêm.
Ông Triệu Phúc Tỵ, Chủ tịch UBND xã Đôn Phong cho biết: Khi dự án tiến hành làm trên địa bàn xã, thấy nhà thầu làm con đường luôn ở ven dòng Nậm Cắt, cũng như thấy đất đá đổ thải đổ xuống khá nhiều ven các đầu cầu, ven suối. Xã rất lo lắng và có ý kiến lên Ban Quản lý dự án. Nhưng họ bảo đổ mượn tạm bờ suối làm đường công vụ. Bởi vậy, máy xúc ở trên thì đất đá lại xả trôi hết xuống suối. Điều đáng lo nhất là đoạn thi công cây cầu Vằng Bó, các nhà thầu còn đổ đất xuống để làm bệ đỡ, lao dầm thi công. Sắp tới là mùa mưa lũ, xã cũng rất lo nếu mưa lớn, lũ kéo về thì hậu quả chưa biết thế nào!.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Kạn và các đơn vị chuyên môn cần vào cuộc xác minh và đưa ra phương án xử lý các tồn tại trên, vì không lâu nữa là mùa mưa sẽ về, khi đó hậu quả sạt lở đất đá, ô nhiễm môi trường phát sinh từ Dự án sẽ rất khó lường.
Báo Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục phản ánh những vấn đề bất cập ở đây.