Chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt gần 4,7 triệu tấn và kim ngạch trị giá 2,98 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng mạnh 32% về giá trị do giá xuất khẩu mặt hàng này neo ở mức cao.
Bộ NNPTNT cũng nêu rõ, gạo nằm trong top 5 mặt hàng của ngành nông nghiệp có thặng dư thương mại cao khi đạt 2,31 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong nửa đầu năm nay, nước ta đã chi ra khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo.
Theo các chuyên gia, việc phải chi 670 triệu USD để nhập khẩu gạo là con số tăng rất mạnh so với cùng kỳ những năm trước và gần bằng cả năm 2023. Cụ thể, năm 2023, nước ta cũng chi gần 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia (chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ).
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh, đây là điều bất ngờ với nhiều người. Giải thích điều này, sáng 16/7, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Ngọc Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân tích, trong những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng hạt gạo nhằm tăng giá trị cho gạo Việt. Theo đó, chuyển dần sang sản xuất các giống gạo thơm, chất lượng cao.
Ở nhiều thời điểm, gạo trắng 5% tấm của Việt Nam duy trì mức giá cao nhất thế giới. Do đó, chúng ta thiếu hụt một lượng đáng kể gạo nguyên liệu chế biến thực phẩm (bún, bánh phở, hủ tiếu, bột gạo…) và chế biến thức ăn chăn nuôi nên cần phải nhập khẩu. Trong khi diện tích sản xuất có hạn và năng suất sản xuất cũng tới hạn nên việc bán gạo giá trị cao và nhập khẩu gạo nguyên liệu về chế biến là có lợi về mặt kinh tế nên không có gì phải lo.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, nhu cầu gạo cấp thấp trong nước là rõ ràng, để làm bánh, bún, chế biến thức ăn chăn nuôi… Dòng gạo này được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, nhưng giá rất thấp, tương tự như lúa IR50404 của Việt Nam được trồng nhiều trước đây.
“Đối với dòng gạo khô như IR50404, giai đoạn trước năm 2015 Việt Nam trồng nhiều nhưng rất khó bán nên các bộ ngành khuyến cáo chuyển sang trồng lúa chất lượng cao. Khi người dân chuyển dần sang phân khúc chất lượng cao thì gạo cấp thấp lại thiếu, nếu có trồng cũng giá rẻ nên nông dân bỏ dòng gạo này, nên phải nhập khẩu”, ông Thành nói.
Một nguyên nhân nữa theo ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro ở TP.HCM (đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu lương thực) dẫn đến Việt Nam phải nhập khẩu gạo từ nước ngoài là do, doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu gạo cấp thấp từ Ấn Độ mà còn nhập cả lúa gạo chất lượng cao từ nước này và Campuchia, về để xuất khẩu sang nước thứ ba. Do lợi thế vị trí địa lý thuận tiện và uy tín cao trên thị trường quốc tế, Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu lúa lớn nhất và thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Campuchia sau Trung Quốc.
Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu gạo khởi sắc cuối năm
Theo đánh giá của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sau thời gian dài tăng trưởng về giá thì giai đoạn điều chỉnh giảm này của gạo Việt Nam nằm trong xu hướng giảm chung của giá gạo thế giới. Đáng chú ý là xu hướng giảm này cũng nằm trong tiên liệu của doanh nghiệp trong nước vì luôn có tâm lý thận trọng khi giá xuất khẩu gạo tăng liên tục trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia quốc tế, khi triển vọng nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ được củng cố, nguồn cung dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, kéo theo đó giá gạo ở châu Á có khả năng hạ nhiệt, vì Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Thống kê cho thấy Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong 5 tháng đầu năm nay với 7,2 triệu tấn, giảm 25,4%; tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, và Mỹ.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm được chào với giá 539-545 USD/tấn trong tuần này. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống mức 570-575 USD/tấn vào ngày 11/7, mức thấp nhất kể từ đầu tháng tư.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, vẫn thuận lợi cho các doanh nghiệp của chúng ta xuất khẩu.
“Các doanh nghiệp của chúng ta vẫn phải luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị cho mọi khả năng, tình huống. Yếu tố quan trọng ở đây vẫn làm sao đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Và thứ hai là chúng ta cũng phải đảm bảo cái yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo. Vì điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến một doanh nghiệp mà có thể nói là rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta”, ông Hải nói.
Theo các doanh nghiệp, việc giá gạo xuất khẩu điều chỉnh ở thời điểm này giúp họ chủ động và thu mua thóc được dễ hơn. Họ dự đoán giá sẽ hồi phục trong thời gian tới khi mà dịp cuối năm nhu cầu nhập khẩu gạo thường cũng tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Nhật – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật, TP. Cần Thơ cho hay, Philippines, Indonesia và một số quốc gia khác thì nhu cầu nhập khẩu của họ cho tiêu dùng trong nước khá ổn định ở mức cao. Hàng năm riêng 2 quốc gia này có thể nhập khẩu 4 đến 5 triệu tấn, tôi nghĩ nhu cầu này trong thời gian dài nó cũng sẽ ổn định.
Cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm còn đến từ thị trường Trung Quốc, vì thời điểm cuối năm thường gia tăng nhu cầu từ thị trường tỷ dân này. Các doanh nghiệp đã có thêm nhiều khách hàng đàm phán nhập khẩu gạo 5% tấm.
Theo Bộ NNPTNT, tính đến đầu tháng 7, các địa phương thu hoạch được khoảng 388.000ha trên 1,46 triệu ha đã xuống giống vụ hè thu, năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào luôn là trợ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Nguồn: https://danviet.vn/dang-ban-luong-gao-khong-lo-di-khap-toan-cau-vi-sao-viet-nam-van-chi-gan-700-trieu-usd-de-mua-gao-20240716092555386.htm