Chỉ trong tháng 5 và 6-2023, lực lượng chức năng đã ra quyết định thu hồi phù hiệu của gần 100 phương tiện chạy quá tốc độ cho phép của các doanh nghiệp vận tải khách trên địa bàn thành phố. Đáng nói, nhiều phương tiện vi phạm đến 629 lần/tháng cho thấy nguy cơ gây mất an toàn giao thông là hiện hữu.
Hiện trường vụ tai nạn ngày 30-5, tại cuối đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn – Hòa Liên (cao tốc La Sơn – Túy Loan) qua địa bàn huyện Hòa Vang làm 1 người chết, 13 người bị thương. Ảnh: G.M |
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), trong tháng 6-2023, có 34 xe khách của các đơn vị vận tải vi phạm chạy quá tốc độ cho phép từ 5/1.000km xe chạy/tháng, trong đó, có xe vi phạm đến 629 lần. Trước đó, trong tháng 5-2023, Sở GTVT cũng phát hiện 55 phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố vi phạm chạy quá tốc độ và có xe vi phạm đến 450 lần…
Theo tài liệu của cơ quan quản lý vận tải, thời gian qua nhiều xe vi phạm chạy quá tốc độ cho phép như xe khách tuyến cố định BKS 43B-032.26 của Công ty TNHH Vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân vi phạm tốc độ 629 lần trong tháng 6. Tiếp đó là xe tuyến cố định BKS 43B – 038.89 của Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Hải Vân quá tốc độ 355 lần/tháng.
Một xe tuyến cố định khác của đơn vị này là xe BKS 74F – 005.85 vi phạm tốc độ 206 lần. Trong tháng 5-2023 có xe tuyến cố định BKS 43B-038.89 của HTX Dịch vụ vận tải Hải Vân vi phạm tốc độ 450 lần, xe container 43H-006.13 của Công ty TNHH Đức Thịnh vi phạm tốc độ 221 lần, xe tuyến cố định BKS 43B-054.96 của Công ty TNHH Vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân vi phạm tốc độ 191 lần…
Trước những con số “biết nói” này, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm này hay chưa? Nếu đã xử lý nghiêm tại sao còn nhiều xe vi phạm đến vậy.
Chị Phạm Thị Toàn (40 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết: “Tôi thường xuyên đi lại bằng xe khách giữa Đà Nẵng và Nghệ An nên chứng kiến cảnh xe đua bắt khách và chạy quá tốc độ cho phép của các phương tiện vận tải khách, nhất là các xe dù bến cóc chạy chui nên hay phóng nhanh vượt ẩu”.
Tương tự, chị Lê Thị Phương Thi (37 tuổi, quận Hải Châu) cho hay chị thấy không chỉ xe khách mà cả xe container cũng chạy quá tốc độ cho phép ở những cung đường vắng lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát…Mới đây, vụ tai nạn giao thông do lái xe khách giường nằm chạy quá tốc độ cho phép gây ra chiều 30-5 tại đoạn cuối đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn – Hòa Liên (cao tốc La Sơn – Túy Loan) qua địa bàn huyện Hòa Vang làm 1 người chết, 13 người bị thương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của các xe khách vi phạm tốc độ.
Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT Trần Lành cho biết, theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô. Theo đó, xe vi phạm sẽ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nếu kết quả trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy.
“Xét về quản lý hành chính, đây là mức phạt cao nhất hiện nay. Phương tiện vi phạm sẽ không được lưu thông trên đường nhưng không có hình phạt tiền bổ sung”, ông Lành nói. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa đồng tình với mức phạt này, và mong muốn về lâu dài nên tính đến phương án phạt nguội hoặc tăng thêm các chế tài xử phạt hành chính như nếu không tự giác nộp sẽ tạm dừng cấp lại phù hiệu.
Được biết, theo quy định hiện hành, xe vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km chạy/tháng, Sở GTVT các địa phương sẽ ra quyết định thu hồi phù hiệu. Thông báo này được công khai trên website của sở đồng thời được gửi qua đường bưu điện tới các doanh nghiệp.
Sau 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực, các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm phải giao nộp phù hiệu của phương tiện bị thu hồi. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết “không nhận được thông tin”. Mặc dù, tại các thông báo vi phạm tốc độ, Sở GTVT đã ghi rõ, phù hiệu đã cấp cho các xe vi phạm không còn hiệu lực. Các đơn vị kinh doanh vận tải có xe vi phạm tốc độ phải nộp lại phù hiệu của phương tiện về Sở GTVT, không được sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải trong thời gian bị thu hồi phù hiệu…
Thanh tra Sở GTVT, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện, người lái thuộc Sở GTVT theo dõi, đôn đốc việc chấp hành xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải, phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu các xe này vi phạm trong quá trình bị thu hồi phù hiệu. Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục tập trung xử lý các phương tiện vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục và các trường hợp không truyền dữ liệu giám sát hành trình về cục; đồng thời sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để xử lý xe khách vi phạm…
Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019, với lỗi vi phạm tốc độ, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với người điều khiển ô-tô quá tốc độ 5-10 km/h; phạt từ 4-6 triệu đồng nếu quá 10-20 km/h và tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Nếu quá 30-35 km/h sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Nếu quá trên 35 km/h phạt từ 10-12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. |
THÀNH LÂN