Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam trao quà lưu niệm cho các đại biểu
Dự án “Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2025″ (Dự án EVAWC) do UN Women, UNFPA và UNICEF với sự tài trợ của Chính phủ Úc triển khai từ năm 2021 đến nay đã mang nhiều ý nghĩa nhân văn và giá trị đối với Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam khẳng định, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều dự án thực hiện cùng các cơ quan Liên hợp quốc với đối tượng tiếp nhận là phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, dự án Sáng kiến Thành phố thân thiện với trẻ em của UNICEF, Dự án Sáng kiến Xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố an toàn và phi bạo lực cho phụ nữ và trẻ em của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women)…
Bên cạnh các dự án hợp tác, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố như thực hiện Chỉ thị số 39- CT/TU về xây dựng thành phố an toàn – không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, Quyết định số 1006/QĐ-UBND về Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn – không bạo lực với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035″. Đặc biệt, thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, qua đó góp phần thực hiện Đề án và hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng an bình, văn minh và đáng sống.
Nhiều mô hình hay, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em như câu lạc bộ “Nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em gái”, mô hình “Điểm chờ an toàn sau giờ học”, “Hỗ trợ đưa đón trẻ”, “Tổ phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình”, “Mạng lưới cán bộ tư vấn về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em”, website “Bảo vệ trẻ em và chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội”. các mô hình, dự án này cũng đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua phù hợp với mục tiêu chung xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Năm 2023, Đà Nẵng được UN Women công nhận chính thức là thành phố thứ 02 tại Việt Nam, là thành phố thứ 56 trên thế giới đến từ 31 quốc gia chính thức tham gia vào Chương trình Sáng kiến Chủ đạo toàn cầu “Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn vào năm 2023.”
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại chương trình, đại diện các sở ngành và Tổ chức UNFPA, UNICEF, UN Women, Bộ Ngoại giao và Thương mại của Chính phủ Liên bang Úc đã trao đổi các giải pháp hỗ trợ Đà Nẵng triển khai dự án thiết thực, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố Đà Nẵng Hoàng Thị Thu Hương cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã tổ chức nhiều mô hình điểm và được nhân rộng bởi tỉnh hiệu qủa của nó, như: Địa chỉ tin cậy (375 địa chỉ), “Nhà tạm lánh”; “Ngôi nhà an toàn”; Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em” (20 CLB), CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, mạng lưới cán bộ tư vấn về phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em (50 thành viên), Tổ phản ứng nhanh”, “ Sắc cam – hãy lên tiếng khi bạn cần”, “Điểm đón an toàn”; “Điểm chờ an toàn – Đồng hành cùng em”.
Hội LHPN phối hợp Sở Giao thông Vận tải ra mắt thí điểm 02 điểm chờ xe bus an toàn trên địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê. Đây là một sáng kiến mới nhằm tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng. Với sắc cam chủ đạo cùng thông điệp “Hãy lên tiếng, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại vì thành phố Đà Nẵng an toàn không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”, các thông tin liên hệ khẩn cấp, liên hệ tư vấn được hiển thị rõ ràng trên nhà chờ. Đặc biệt, danh bạ địa chỉ tin cậy được cung cấp dưới dạng mã quét QR, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin khi cần thiết.
Cùng với sự đồng hành hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nguồn lực của UN Women, thời gian đến, Hội LHPN tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố xây dựng phần mềm hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các địa chỉ tin cậy trong tình huống khẩn cấp, đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát và phối hợp của cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, đề xuất UBND thành phố hướng đến các mô hình không gian công cộng an toàn, như: bãi biển an toàn, công viên an toàn, trạm dừng chân xe bus an toàn, thân thiện; thành lập “Mô hình liên ngành một điểm dừng” đặt tại trụ sở cơ quan Hội LHPN. Mục đích của mô hình này là hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; những trường hợp cần khởi kiện được liên kết với cơ quan tư pháp hoặc những người bị hoảng loạn tinh thần sẽ được giới thiệu đến các nhà tư vấn tâm lý. Các mô hình này mục đích tăng cường cơ sở hạ tầng hành lang vững chắc để giúp nạn nhân ngày càng mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực và xâm hại; đồng thời góp phần cùng thành phố xây dựng một môi trường sống thật sự an bình, nhân văn và bền vững.
CÔNG TÂM
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=61843&_c=3