Chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch khá lớn
Để đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực, Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch khá lớn phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính và công nghệ với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của quốc gia.
Trong đó, Đà Nẵng sẽ bố trí quỹ đất để hình thành một số khu vực độc lập, có ranh giới xác định trên địa bàn thành phố. Qũy đất này không hoàn toàn tách rời mà phối hợp chặt chẽ để tạo thành một hệ sinh thái hợp tác, cùng đóng góp cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế dưới sự giám sát, điều hành của một cơ quan quản lý chung có vai trò điều tiết, cân đối giữa các định hướng tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, ổn định tài chính cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vị trí lô đất đang kêu gọi đầu tư trung tâm tài chính
Trong ngắn hạn sẽ thí điểm áp dụng một số chính sách đặc thù, ưu đãi nhất so với khung pháp luật chung của quốc gia để phát triển ngay các cấu phần của một TTTC khu vực.
Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực mới nổi, phù hợp xu thế tài chính quốc tế hiện nay, đó là việc đổi mới sáng tạo trong tài chính dựa trên công nghệ, phát triển tài chính xanh, các sản phẩm tài chính của tương lai. Đồng thời, cho phép các định chế tài chính được thực hiện các dịch vụ mà thị trường tài chính trong nước chưa thể thực hiện được do chưa có quy định trong nước.
Cụ thể, thành phố sẽ phát triển TTTC Đà Nẵng trong vùng diện tích địa lý nằm tại các Lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và Lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt. 05 lô đất này có với tổng diện tích 6,17 ha sẽ được sử dụng để xây dựng khu phức hợp thương mại, TTTC, giải trí cao cấp.
Trong đó các lô A12, A13, A14, A15 phù hợp để thiết kế chức năng văn phòng, đảm bảo tính đặc thù và yêu cầu quản lý của khu TTTC trong giai đoạn đầu phát triển của TTTC Đà Nẵng. Đây là khu vực để thu hút các định chế tài chính, thương mại, đầu tư, công nghệ lớn và các cơ quan quản lý, giám sát, giải quyết tranh chấp của TTTC Đà Nẵng đặt trụ sở/văn phòng.
Đối với Lô đất A* sẽ được thiết kế chức năng hỗn hợp để hình thành một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng cho TTTC. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp cho các nhà đầu tư và khách du lịch đến Đà Nẵng sống, làm việc, giao lưu, hưởng thụ và thưởng ngoạn.
Khoảng cách từ Trung tâm tài chính Đà Nẵng đến các hạ tầng kết nối và trung tâm hành chính thành phố
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu các dự án công nghệ tài chính xem xét triển khai hình thành trung tâm Fintech ở Khu đất phía Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha, kết nối về hạ tầng công nghệ thông tin với Công viên phần mềm số 2 liền kề.
Trong dài hạn, thành phố triển khai nghiên cứu chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn để tạo quỹ đất mới mở rộng không gian phát triển, hình thành một tổ hợp đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược để hình thành và thu hút các nhà đầu tư khác vào TTTC Đà Nẵng.
Tại đây, sẽ phát triển các cụm tòa nhà hỗn hợp có thể được sử dụng làm khu văn phòng bố trí văn phòng quản lý cấp khu vực của các công ty đa quốc gia, ngân hàng, công ty tài chính quốc tế, các công ty dịch vụ thuê ngoài (BPO) cho hoạt động tài chính và các khu thương mại và giải trí ở các tầng thấp hơn. Một số toà nhà có thể được chỉ định để phát triển khu dân cư hoặc khu hỗn hợp.
Cung cấp các dịch vụ tài chính, huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế
Hiện nay, có nhiều mô hình TTTC: TTTC quốc tế; TTTC khu vực; TTTC quốc gia; TTTC hải ngoại;…
Đối với Đà Nẵng, Đà Nẵng được định hướng phát triển TTTC quy mô khu vực với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tài chính để phục vụ thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và thương mại quốc tế, trong đó bao gồm các dịch vụ tài chính nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế phục vụ cho sự phát triển của Đà Nẵng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung.
Ý tưởng phối cảnh khu trung tâm tài chính
Trong TTTC Đà Nẵng sẽ là một hệ sinh thái đa thành phần bao gồm các trung tâm phát triển tập trung cho 03 nhóm dịch vụ: dịch vụ tài chính quốc tế; dịch vụ Fintech, TechFin; các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích.
Với mô hình TTTC quy mô khu vực, Đà Nẵng tập trung phát triển các nhóm dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ tài trợ xuất nhập khẩu, tài trợ chuỗi cung ứng, quản lý rủi ro, bảo hiểm thương mại để hỗ trợ giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư quốc tế cho các nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức, tập đoàn quốc tế trong các lĩnh vực chế xuất, xuất nhập khẩu, logistics, công nghệ toàn cầu và các lĩnh vực khác đã được xác định trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế về địa – kinh tế, chính trị của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực và thế giới, trọng điểm là gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Cảng biển Liên Chiểu là các khu chức năng được quy hoạch để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế.
Đây là cấu phần có tính ứng dụng cao, tích hợp, cộng hưởng với các lợi thế thành phố, phù hợp với vị trí địa chiến lược của Đà Nẵng là một trung tâm thương mại quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không quốc tế; đặc biệt khi kết hợp cùng khu Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo ra môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi, giảm chi phí và thời gian xử lý, gia tăng năng lực cạnh tranh và thu hút các tập đoàn, đối tác đầu tư, tài chính, công nghệ, thương mại quốc tế.
Ngoài ra sự kết hợp các hoạt động tài chính, thương mại trong cùng khu vực sẽ tạo môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.
Đà Nẵng có lợi thế về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thuộc top đầu của cả nước
Bên cạnh đó, thúc đẩy tạo môi trường kết nối các công ty công nghệ, tập đoàn lớn trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp vi mạch bán dẫn, tham gia hợp tác, kết hợp cùng chiến lược phát triển liên khu vực của các quỹ đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các đối tác ở Châu Á để thử nghiệm sản phẩm (có thể thử nghiệm trực tiếp trong môi trường thực của các ngân hàng, cơ sở kinh tế), sản xuất nền tảng, công nghệ ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… góp phần nuôi dưỡng một môi trường năng động trong việc ứng dụng các công nghệ tiến bộ trước khi thương mại hoá tài sản trí tuệ, mở rộng tăng trưởng, đổi mới và quốc tế hoá thành các công ty cạnh tranh khu vực và toàn cầu.
Đây là cấu phần gắn với tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia và mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia gắn với những xu thế công nghệ mới, hiện đại. Điều này đặc biệt thích hợp với thành phố Đà Nẵng khi đang có lợi thế về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thuộc top đầu của cả nước và các nhiện vụ, phương hướng phát triển dịch vụ, đổi mới sáng tạo mà thành phố đang triển khai trong giai đoạn hiện nay như: triển khai thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; xúc tiến và đưa vào hoạt động các trung tâm đổi mới sáng tạo, các công viên phần mềm, các trung tâm dữ liệu với cấu hình hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; tổ chức thường niên các sự kiện lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo gắn với Fintech và TechFIn, công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Một số chính sách đặc thù trong các lĩnh vực này tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội sẽ được vận dụng để thu hút các công ty Fintech, TechFin và nhân tài quốc tế.
Đồng thời, Trung tâm tài chính Đà Nẵng không chỉ gồm các hoạt động tài chính mà còn liên kết với các hoạt động và dịch vụ tiện ích đẳng cấp khác như dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp để tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn cho du khách và nhà đầu tư quốc tế coi đây là các yếu tố để nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng sống, phát huy thế mạnh của thành phố Đà Nẵng.
Đây là cấu phần có thể kết hợp thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương, gắn liền với trụ cột du lịch mà Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã xác định.
HOÀNG PHAN – MAI QUANG
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=61710&_c=3