Tại hội thảo góp ý xây dựng đề án “Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 15-11, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp đề xuất những ý kiến để đề án sát với nhu cầu thực tế, hướng tới phát huy vai trò của Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Sản xuất tại Nhà máy Nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: MAI QUẾ |
Kết hợp sức mạnh của “3 nhà”
Ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, cho hay mục tiêu chính của đề án là xác định các lĩnh vực ưu tiên cho đổi mới sáng tạo, bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và y tế cũng như kinh tế biển và dịch vụ logistics. Phương pháp nghiên cứu sẽ tập trung vào phân tích thực trạng đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng và so sánh với các mô hình thành phố đổi mới sáng tạo trên thế giới.
Các chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Đà Nẵng được phân tích qua 7 trụ cột, bao gồm: thể chế, vốn, con người, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển thị trường, doanh nghiệp, sản phẩm tri thức và tác động đến kinh tế – xã hội.
Năm 2023, Đà Nẵng xếp hạng 4 nhưng các chỉ số của thành phố rất sát với những địa phương xếp trong top 10, do đó cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao các chỉ số này. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề án đưa ra một loạt giải pháp như cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo để tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân tài trong các lĩnh vực ưu tiên; cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào các cơ sở vật chất và công nghệ cần thiết cho đổi mới sáng tạo; truyền thông hiệu quả để nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Ông Võ Đức Anh nhấn mạnh, đề án là “sợi dây” gắn kết “3 nhà”: nhà nước – nhà nghiên cứu – nhà đầu tư lại với nhau để tạo ra môi trường pháp lý và chính sách thuận lợi khi nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các chính sách và cơ chế hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.
Việc gắn kết “3 nhà” sẽ khuyến khích nghiên cứu và phát triển, tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển bền vững với các giải pháp đổi mới sáng tạo không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến các vấn đề xã hội và môi trường.
Quang cảnh hội thảo xây dựng đề án “Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo”. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Tăng sức hút khởi nghiệp cho Đà Nẵng
Về vấn đề tăng sức hút cho thành phố để nhận được sự hợp tác đầu tư vào đa lĩnh vực, ngành nghề, PGS.TS Trần Ngọc Ca, giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), góp ý mô hình của Đà Nẵng gắn với phát triển du lịch và phát huy các thế mạnh khác của địa phương: kinh tế biển, cảng, logistics, đầu mối giao thông. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo nên gắn với việc trở thành một không gian sống và làm việc lý tưởng cho các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư…
Qua đó tăng hợp tác, liên kết tốt hơn với các trung tâm về đổi mới sáng tạo khác trong và ngoài khu vực, theo hướng trao đổi chuyên gia, chia sẻ cơ sở vật chất kỹ thuật, hiệu ứng tổ hợp. Đồng thời, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để hệ sinh thái của Đà Nẵng không bị giới hạn về địa lý.
Ông Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), đề xuất bổ sung vào đề án “Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo” các nội dung như thành lập tổ chức điều phối đổi mới sáng tạo; xây dựng chính sách đổi mới sáng tạo đặc thù, phù hợp với từng đối tượng; khuyến khích thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ mới; tạo môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Đà Nẵng cần thúc đẩy sự kết nối giữa các ngành nghề khác nhau để tạo ra một hệ sinh thái đối mới sáng tạo phong phú.
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ, thời gian đến, sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng nghiên cứu, thảo luận với Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố để bổ sung nhiều nội dung hoàn thiện đề án. Trong đó, cân nhắc để đưa yếu tố “Net-Zero” vào đề án và sớm hoàn thiện trình UBND thành phố trong năm nay.
Đề án “Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo” bảo đảm phản ánh đúng thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng và thế mạnh của Đà Nẵng. Việc sớm triển khai, xây dựng đề án sẽ giúp mở ra cơ hội hợp tác, kết nối toàn diện, hướng tới phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo bền vững và vươn tầm quốc tế.
C.THẮNG – M.QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202411/xay-dung-da-nang-thanh-trung-tam-doi-moi-sang-tao-ben-vung-3994056/