Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng đã hình thành, kết nối và phát triển với nhiều thành tố. Để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thành phố cần có định hướng liên kết, kết nối các nhà đầu tư, chuyên gia để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. TRONG ẢNH: Các đại biểu tham quan không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, dự án khởi nghiệp tại hội thảo “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng và đối ngoại nhân dân trong kết nối vận động nguồn lực”. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Phát triển hệ sinh thái theo chiều sâu
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng hình thành và phát triển với nhiều thành tố đa dạng được kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, nhiều thành tố gia tăng cả chất lượng lẫn số lượng, tham gia tích cực vào hệ sinh thái, bao gồm: các trường đại học; quỹ đầu tư, cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn… và hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển theo chiều sâu. Các doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp mang tính nền tảng công nghệ và tài sản trí tuệ để tạo đà phát triển bền vững hơn. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển và tiếp cận, kêu gọi được nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Phó giám đốc Sở KH&CN Lê Thị Thục đánh giá: “Sự phát triển về mặt chất lượng của các dự án khởi nghiệp, startup là cơ sở, nền tảng bền vững thu hút các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến thị trường Đà Nẵng. Việc giữ chân các quỹ đầu tư và mời gọi các doanh nghiệp, đối tác đến với thành phố là yếu tố rất quan trọng. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng đang phát triển đúng định hướng, vừa gia tăng về số lượng các thành tố, vừa phát triển theo chiều sâu”.
Bên cạnh đó, các cơ sở ươm tạo, vườn ươm cũng là thành tố đóng góp lớn trong sự phát triển của hệ sinh thái. Các vườn ươm trên địa bàn thành phố không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng các chương trình hỗ trợ, ươm tạo, giúp các dự án khởi nghiệp tăng khả năng thành công. Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho hay, trong 7 năm qua, DNES đã triển khai ươm tạo khoảng 90 dự án với 12 batches, khoảng 8% startup gọi vốn thành công và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Để thúc đẩy hiệu quả của các trung tâm ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, thành phố, các đơn vị cần tập trung vào nhiều giải pháp, trong đó, cần có hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là cơ sở quan trọng để tập hợp nguồn lực của các thành tố trong hệ sinh thái; tạo hình ảnh chính quyền cởi mở, quan tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút các nguồn vốn, quỹ đầu tư.
Mặc khác, nếu các trung tâm, cơ sở ươm tạo sử dụng các nền tảng, chương trình ươm tạo theo tiêu chuẩn đã được kiểm nghiệm sẽ tạo nhiều cơ hội thành công cho các startup trẻ, khai phá được tiềm năng kinh doanh từ dự án và nội lực của doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp đột phá
TS. Nguyễn Hữu Nhật Minh, phụ trách nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn nhìn nhận, Đà Nẵng có môi trường và tiềm năng tốt để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các “hạt giống” khởi nghiệp đang nằm rải rác trong các trường đại học. Cần có sự phối hợp giữa các thành tố để đưa những ý tưởng khởi nghiệp đến các vườn ươm để tránh lãng phí các ý tưởng hay và tăng cường sự kết nối.
Các trường đại học rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của vườn ươm để tổ chức, tạo sự lan tỏa, hình thành tư duy mới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố và các đơn vị cần hình thành những tập san để quảng bá tiềm năng, tạo động lực cho sinh viên mạnh dạn hơn trong vấn đề khởi nghiệp. Bên cạnh đó, mạng lưới chuyên gia của các trường đại học, cơ sở nghiên cứu có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển các công nghệ mới.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Giám đốc vận hành Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator – SHi), thành phố, các đơn vị nên thay đổi cách tiếp cận hỗ trợ, tức đi sâu vào giáo dục khởi nghiệp; đồng thời, hỗ trợ cho các tổ chức nhận thức hoạt động khởi nghiệp để hình thành tư duy về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Đà Nẵng có rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, tuy nhiên, việc kết nối, duy trì mạng lưới vẫn còn rời rạc, chưa có định hướng liên kết. Vì vậy, thành phố cần triển khai nhiều hoạt động kết nối hơn nữa để tận dụng nguồn lực này; đồng thời, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp ở quy mô lớn hơn để kết nối các địa phương, tạo sân chơi lớn, va chạm giao lưu giữa các startup; thay đổi tư duy kiến tạo để kết nối, thu hút những nhà đầu tư đến với Đà Nẵng và mở rộng ra các doanh nghiệp ở địa phương khác.
Đây là giải pháp giúp hệ sinh thái lớn mạnh và bền vững. Ngoài ra, các nhiệm vụ KH&CN mang tính chiến lược, lâu dài và kết nối với các thành tố bên ngoài, mở rộng dựa trên không gian sáng tạo của thành phố Đà Nẵng để trở thành hạt nhân, thu hút mạng lưới xung hành hình thành phát triển lớn mạnh và mang tầm khu vực.
Bà Lê Thị Thục cũng cho hay, trong năm 2024, thành phố và Sở KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các cái giải pháp công nghệ, dự án khởi nghiệp, tài sản trí tuệ; tập trung xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, trong đó, có chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để trình Quốc hội. hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hỗ trợ phục vụ cho khởi nghiệp, xây dựng cơ chế vận hành không gian đổi mới sáng tạo tại Khu Công viên Phần mềm số 2 và hình thành Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tại Đà Nẵng.
“Thành phố sẽ tiếp tục kết nối đầu tư với cộng đồng quốc tế và mời gọi các quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp, đối tác nước ngoài tiềm năng về khởi nghiệp đến thành phố. Từ đó, xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến quốc tế về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực”, bà Thục cho hay.
VĂN HOÀNG